Trần Dương

Nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu

Admin

Chiến tranh giữa Nga và Ukraine đang dẫn tới một hệ lụy to lớn: thế giới đang và sẽ thiếu lương thực trầm trọng – giá lương thực tăng vọt, người dân nhiều nước rơi vào cảnh thiếu đói.

Ngày 28/3, phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley cảnh báo, xung đột ở Ukraine không những tạo ra thảm họa chồng thảm họa mà còn có tác động toàn cầu, vượt ra khỏi những gì mà nhân loại chứng kiến kể từ Thế chiến II.

Cả Nga và Ukraine là hai trong những nước xuất khẩu lúa mì, lúa mạch, bắp, kể cả phân bón… lớn nhất thế giới. Trong năm năm qua, cả hai nước chiếm đến 30% lượng lúa mì xuất khẩu của toàn thế giới, 17% bắp, 32% lúa mạch và 75% dầu hạt hướng dương. Chiến tranh làm nghẽn dòng xuất khẩu các mặt hàng này và làm giá cả tăng nhanh. Trong tháng qua, giá lúa mì tăng 21%, lúa mạch tăng 33% và giá phân bón tăng 40%.

Trước đó, giá lương thực khắp thế giới đã tăng mạnh vì nguồn cung bị tắc nghẽn do đại dịch Covid-19, việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn, giá cước tăng cao, chưa kể nạn hạn hán, lũ lụt và cháy rừng ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất nông nghiệp khắp nơi. Tính chung cả năm, giá lúa mì tăng 69%, bắp tăng 64% và lúa mạch tăng 82%. Không dễ thay thế 30% lượng lúa mì thiếu hụt vì nguồn cung lúa mì ở Mỹ và Canada đang hạn chế, Argentina xuất khẩu nhỏ giọt còn Úc đã chạy hết công suất.

Nông dân Ukraine rất có thể sẽ phải bỏ qua vụ gieo trồng sắp tới. Họ cũng không thể thu hoạch vụ này. Đây là yếu tố có thể làm việc thiếu hụt lương thực sẽ kéo dài từ sáu tháng đến cả năm.

Ngay sau khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, một số nước tuyên bố cấm xuất khẩu lương thực để duy trì nguồn cung trong nước. Trung Quốc cũng đang ra sức mua càng nhiều càng tốt do vụ lúa mì vừa qua bị lũ lụt ảnh hưởng. Ấn Độ, nước xuất khẩu một ít lúa mì, đang nhận lượng đơn hàng gấp ba thời bình thường.

Một số nước phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn lúa mì nhập từ Nga và Ukraine như Armenia, Mông Cổ, Kazakhstan và Eritrea. Họ phải đi tìm nguồn nhập khẩu khác nhưng sẽ phải cạnh tranh với các nước cũng có nhu cầu cao không kém như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Bangladesh và Iran. Trước đây Ai Cập nhập đến ba phần tư lúa mì từ Ukraine và Nga; tỷ lệ này ở Thổ Nhĩ Kỳ là 85%, Ảrập Saudi – gần 50%.

Chiến tranh căng thẳng khiến giá phân bón tăng vọt

Tình hình thiếu lương thực càng bị trầm trọng hóa vì mắt xích phân bón. Giá phân bón đã tăng trên toàn thế giới trước khi chiến sự bùng nổ. Nguồn cung đứt gãy và sản xuất gặp khó khăn càng đẩy giá lên cao.

Nga là nhà cung cấp lớn mọi loại phân bón thiết yếu cho cây trồng. Quốc gia này đã kêu gọi các nhà sản xuất phân bón trong nước cắt giảm xuất khẩu trong tháng 3, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vốn rất quan trọng đối với người trồng trọt.

Động thái trên của Nga gây thêm bất ổn cho thị trường toàn cầu khi nông dân Brazil, nước nhập khẩu phân bón lớn nhất thế giới, đang gặp khó khăn trong việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẽ cung cấp phân bón cho các quốc gia có “quan hệ hữu nghị”, mặc dù trước hết Nga vẫn cần đảm bảo nguồn cung cho chính thị trường nội địa.

Nay hiệp hội các nhà sản xuất đậu nành Brazil khuyến cáo hội viên giảm mạnh sử dụng phân bón vì nguồn dự trữ chỉ còn đủ dùng trong ba tháng. Như thế vụ đậu nành sắp tới của Brazil, đã giảm sút vì một đợt hạn nặng, sẽ còn thu hẹp hơn nữa vì thiếu phân.

Brazil bán hầu hết đậu nành xuất khẩu cho Trung Quốc và nước này dùng đậu nành chủ yếu để chăn nuôi gia súc. Giá cao, hàng ít sẽ buộc các nhà chăn nuôi giảm thức ăn cho gia súc và cứ thế dây chuyền tác động sẽ dẫn đến thiếu thịt heo, thịt gà và giá thịt tăng cao. Câu chuyện tương tự cũng đang tác động đến dây chuyền từ bắp đến các loại thịt khác.

Hệ lụy có thể thấy trước mắt là nạn đói ở nhiều nước. Trong khi năm năm trước đại dịch, tình hình thiếu đói trên thế giới tương đối ổn định nhưng đã tăng mạnh đến 18% trong hai năm đại dịch, ảnh hưởng 720-811 triệu người dân, theo số liệu của Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc. Riêng chiến tranh, theo Liên hiệp quốc, sẽ có những tác động lên thị trường lương thực thế giới, đẩy thêm 7,6-13,1 triệu người vào chỗ đói kém.

Lấy ví dụ Yemen, thường mua 30% lượng lúa mì từ Ukraine, do có nội chiến nên từng trải qua nhiều đợt đói kém. Nay theo Chương trình Lương thực Thế giới, 17 triệu người Yemen đang lâm vào cảnh đói. Chương trình Lương thực Thế giới đang cung cấp lương thực cho 13 triệu người Yemen và vào tháng Giêng họ phải cắt giảm khẩu phần của 8 triệu người còn một nửa do giá tăng, kinh phí không đủ mua và cũng có thể sẽ phải cắt giảm tiếp do giá vẫn đang tăng. Tình hình này có thể kéo dài ngay cả khi chiến tranh kết thúc, thậm chí cả một hay hai năm mới trở lại bình thường.

Tường Lam