Trần Dương

Huyện Củ Chi kiến nghị chuyển dự án Sài Gòn Safari chuyển thành khu công nghiệp kỹ thuật cao

Admin

Có nhà đầu tư đến nhưng đánh giá không hiệu quả nên bỏ đi hoặc đề nghị thực hiện kết hợp dự án sân golf.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi: Cần có cơ chế chính sách về nhà, đất cho người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch

Ngày 17-12, tại huyện Củ Chi, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM đã có buổi giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch trên địa bàn TPHCM kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành". Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi kiến nghị dừng dự án Sài Gòn Safari để chuyển thành Khu công nghiệp kỹ thuật cao.

Ông Nguyễn Thanh Phong, cho biết dự án Công viên Sài Gòn Safari có diện tích 456,8 ha đi qua địa bàn 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, cấp phép từ năm 2004 nhưng hơn 15 năm nay chưa thực hiện được dù UBND TP kêu gọi đầu tư.

Theo ông Phong, đã có một, hai nhà đầu tư đến nhưng đánh giá không hiệu quả nên bỏ đi hoặc đề nghị thực hiện kết hợp dự án sân golf nhưng thành phố không đồng ý. Dự án chậm thực hiện khiến người dân có đất đã đền bù hoặc chưa nhận đền bù rất bức xúc.

Huyện Củ Chi kiến nghị Thành phố chấp thuận chủ trương cho điều chỉnh quy hoạch khu công viên Sài Gòn Safari 456,85ha sang chức năng khu công nghiệp kỹ thuật cao để tạo điều kiện cho huyện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội.

Huyện Củ Chi kiến nghị, sau khi đồ án quy hoạch được duyệt phải xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch trong từng giai đoạn 5 năm, 10 năm, nếu quá thời gian quy định mà không thực hiện thì xóa quy hoạch.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa lưu ý, huyện nên cân nhắc kiến nghị này vì nếu xây dựng được Safari sẽ tạo điểm nhấn về thu hút du lịch không chỉ cho Củ Chi mà còn cho cả TPHCM, người dân Củ Chi sẽ hưởng lợi nhiều hơn trong tạo công ăn việc làm, làm phong phú sản phẩm du lịch của địa phương vì mô hình Safari thực hiện rất thành công ở một số tỉnh thành khác và một số nước, chúng ta cần có chính sách để thu hút đầu tư.

Tại buổi giám sát đại diện huyện Củ Chi cũng nêu ra một số bất cập như sự chưa đồng bộ giữa Luật Quy hoạch với một số Luật khác, như Luật Đất đai… Từ đó dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch, triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch còn chậm, quy hoạch chồng lấn gây khó khăn…

Từ thực tiễn trên Củ Chi đã kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội cần có cơ chế chính sách về nhà, đất cho người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch các chức năng công trình công cộng, cây xanh, giao thông, giáo dục… để giải quyết nhu cầu bức xúc của người dân về nhà ở trong lúc chờ quy hoạch. Sau khi đồ án quy hoạch được duyệt phải xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch trong từng giai đoạn 5 năm, 10 năm nếu quá thời gian quy định mà không thực hiện thì xóa quy hoạch. Đơn giản hóa các thủ tục đầu tư có cơ chế để thu hút nhà đầu tư, tạo quỹ đất sạch để thu hút nhà đầu tư…

Đối với quy hoạch 10 phân khu ven sông Sài Gòn, huyện kiến nghị TP đưa vào điều chỉnh quy hoạch chung của TP, điều chỉnh từ khu nông nghiệp sinh thái nhà vườn sang khu đô thị sinh thái nông nghiệp kỹ thuật cao và tăng mật độ dân số lên 30-40%, chỉ tiêu dân số lên 300.000 dân để thu hút đầu tư.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, đề nghị huyện Củ Chi rà soát điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn theo thẩm quyền; xem xét chất lượng các đồ án quy hoạch theo các tiêu chí tính dự báo, khả thi, đồng bộ với quy hoạch của TP, đặc thù và hấp dẫn; phối hợp với các sở ngành liên quan để tháo gỡ các vướng mắc, kiến nghị kịp thời UBND TP tháo gỡ những khó khăn; thành lập Ban chỉ đạo thu hút đầu tư nhằm huy động các nguồn lực xã hội bên cạnh nguồn đầu tư công…

Kim điền