Bộ Công an khởi tố gần 2.000 vụ án liên quan đến tín dụng đen

Admin

Bộ Công an đã xử lý 2.740 vụ việc, trong đó có hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi với nhiều bị hại là công nhân…

Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an

Tại cuộc gặp gỡ, đối thoại với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 12/6, liên quan tín dụng đen, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết: “Các đối tượng cho vay không thế chấp, huy động vốn, góp vốn, góp tài sản kinh doanh, các đối tượng hoạt động tín dụng đen thường xuyên có thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo công nhân vay tiền trực tiếp, qua app, qua mạng xã hội hoặc núp bóng doanh nghiệp với lãi suất cao bất thường. Qua công tác đấu tranh của Bộ Công an, có lãi suất lên tới 90-100%/tháng, có lãi suất lên tới 700-1.000%/tháng. Trong quá trình đó, tín dụng đen sử dụng nhiều thủ đoạn như đe doạ, khủng bố tinh thần, chiếm đoạt tài sản tiền lương trả qua ATM”.

Theo ông Quang, trong 3 năm qua, Bộ Công an đã đấu tranh phát hiện xử lý 2.740 vụ việc với gần 5.000 đối tượng, đã khởi tố gần 2.000 vụ với gần 4.000 bị can, trong đó có hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi với nhiều bị hại là công nhân.

Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tín dụng đen, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 12, Bộ Công an sẽ tập trung tổ chức phòng ngừa xã hội, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin phương thức, thủ đoạn của tín dụng đen để nâng cao ý thức tự giác cho công nhân và người dân.

Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo công an các tỉnh, thành kiểm tra hành chính các cơ sở, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động này. Qua đó, để phát hiện tội phạm vi phạm pháp luật, xử lý cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chính sách để hoạt động tín dụng đen.

“Chúng tôi cũng rà soát ngành nghề kinh doanh thường bị tín dụng đen lợi dụng để núp bóng và siết chặt quản lý, triệt phá các tổ chức này, mở các đợt cao điểm trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc để phát hiện, ngăn chặn vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen”, Thứ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã cùng Bộ Công an nghiên cứu vì sao tín dụng đen vẫn có đất để tồn tại. Theo ông Tú, điều này xuất phát từ hai phía, trước hết là vẫn còn nhu cầu vay vốn của người lao động, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, từ đó dẫn đến khi có cầu ắt có cung, tín dụng đen có đất để hoành hành.

“Thứ nhất cần làm rõ nhu cầu vay chính đáng của người dân, khi họ có nhu cầu vay tín dụng ở những món nhỏ, lẻ cho sinh hoạt hàng ngày thì cần có nguồn tín dụng chính thức đáp ứng. Phần này thuộc trách nhiệm Ngân hàng Nhà nước cùng các cấp chính quyền triển khai. Thứ hai là nhu cầu vay tín dụng nhưng không chính đáng để phục vụ nhu cầu bất chính là hoạt động lô đề, cá độ hay những tệ nạn xã hội, phần đó rõ ràng các cơ quan chức năng phải trấn áp, dẹp bỏ kể cả cầu và cung”, ông Tú nhìn nhận.

Theo ông Tú, hiện Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện thêm hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho các ngân hàng cho vay với chủ trương là cho vay, phát triển thị trường nhỏ lẻ. Cùng đó là sử dụng biện pháp công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho người vay tiếp cận nguồn vốn, tăng cường cho ngân hàng chủ động tiếp cận nhu cầu vay của người dân.

Ông Tú cho biết, cách đây 2 tuần, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường tín dụng tài chính vi mô, tạo điều kiện cho người yếu thế tiếp cận tín dụng tài chính ngân hàng.

Ở phần này tất cả các hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng có quy mô lớn, tổ chức tín dụng hợp tác đang hoạt động tại 57 tỉnh, thành phố và các công ty tài chính cũng như 420 chương trình, dự án vi mô tại các tỉnh, thành phố đang hoạt động tích cực.

Hoàng Bách