Mô hình siêu thị gặp khó mặt bằng, hướng đến thị trường tỉnh

Admin

Việc phát triển các mô hình bán lẻ diện tích lớn gặp khó do quỹ đất hạn hẹp và yêu cầu pháp lý. Do đó, các doanh nghiệp có xu hướng mở rộng điểm bán ở các tỉnh.

Đại siêu thị E-Mart từ Hàn Quốc sẽ được tập đoàn chủ quản bán lại mảng kinh doanh tại Việt Nam cho doanh nghiệp nội là Tập đoàn ô tô Trường Hải - Thaco, theo hình thức nhượng quyền thương hiệu. Thông tin này đã được phía Thaco xác nhận và cho biết sẽ tiến hành ký kết chính thức với phía Hàn Quốc ngay trong tháng 5.

Một phần nguyên nhân khiến chủ quản thương hiệu E-Mart quyết định bán 100% vốn mảng kinh doanh tại Việt Nam cho Thaco, được nguồn tin từ tờ báo Hàn The Korea Times cho biết do E-Mart đã gặp những trở ngại kéo dài.

Mở đại siêu thị đầu tiên tại Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh từ năm 2015, nhưng đến nay đã 6 năm, ông lớn bán lẻ xứ Hàn vẫn chưa thể mở thêm bất kỳ điểm bán mới nào do gặp khó khăn về pháp lý.

Siêu thị E-mart tại Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: The Korea Times

Thực tế những mô hình như đại siêu thị hay siêu thị đòi những những mặt bằng lớn hàng nghìn m2 như E-Mart theo đuổi tại Việt Nam là mảng khó xơi với bất kỳ nhà bán lẻ nào, kể cả những doanh nghiệp nội đã am hiểu thị trường nội địa hàng chục năm.

"Một số những mô hình lớn như mô hình đại siêu thị, khi chúng tôi đưa ra thị trường phía Bắc gặp rất nhiều khó khăn về mặt bằng, về văn hóa tiêu dùng, nguồn nhân lực để chúng tôi đáp ứng được hoạt động", ông Trần Lâm Hồng - Phó Tổng Giám đốc, Saigon Co.op cho hay.

Ông Huỳnh Phước Nghĩa - Nhà nghiên cứu thị trường bán lẻ, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhận định: "Có rất nhiều nhà bán lẻ ngoại dù tiềm lực rất lớn cũng rời bỏ thị trường Việt Nam. Tử huyệt nằm thị trường chuyển đổi quá nhanh, đòi hỏi một công ty bán lẻ phải thích nghi được với sự thay đổi của mô hình. Các nhà bán lẻ nước ngoài họ không nhanh chân mở rộng".

Theo giới chuyên gia, việc phát triển các mô hình bán lẻ diện tích lớn, đặc biệt tại Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh đang khó chồng khó, do quỹ đất hạn hẹp và yêu cầu pháp lý. Do đó xu hướng với các doanh nghiệp theo mảng này sẽ là mở rộng điểm bán ở các tỉnh, địa phương.

Trong 3 năm qua, số lượng siêu thị, đại siêu thị tăng trưởng chậm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhưng lại tăng hơn 20% tại các địa phương khác.

"Các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tập trung ở vùng ven là chính. Khai thác những lợi thế như tính ít cạnh tranh, thị trường mới. Yếu tố giá thuê, điều kiện thuê cũng tốt hơn rất nhiều", ông Phạm Thái Bình - chuyên gia bán lẻ cho biết.

Dù vậy, thị trường tỉnh với đặc thù là hành vi mua sắm của người dân vẫn nặng truyền thống, cũng mang nhiều thách thức với các nhà bán lẻ. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi chủ quản E-Mart đã quyết định lùi lại một bước, bán quyền kinh doanh và mở rộng điểm bán cho doanh nghiệp Việt vốn có lợi thế về am hiểu tính bản địa.

Chinh Vũ