Trần Dương

Đơn hàng qua sàn thương mại điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng cao

Admin

Các sàn thương mại điện tử đã triển khai các chương trình như “Đi chợ tại nhà” của Sendo, “Tiếp sức Sài Gòn-Tiki trao tươi ngon” của Tiki, “Thực phẩm bình ổn” của Shopee...

Chương trình 'Tiếp sức Sài Gòn, Tiki trao tươi ngon' trên sàn thương mại điện tử Tiki. Nguồn: Tiki

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), tình hình phân phối, cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam qua thương mại điện tử mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đang từng bước được khắc phục.

Hiện tại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang phối hợp chặt chẽ cùng các sàn thương mại điện tử, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương trong việc tổ chức nhà cung cấp và nguồn hàng để cung ứng kịp thời cho người dân.

Đây là giải pháp mà Cục chú trọng khi thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Ngay sau khi Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có công văn hỏa tốc số 687/TMĐT-TTCNS ngày 8/7/2021 gửi các sàn thương mại điện tử lớn tăng cường hỗ trợ chuẩn bị nguồn hàng, xây dựng các chương trình bán hàng thiết yếu đảm bảo không đứt gãy nguồn cung hàng hóa tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng thời, đại diện Cục làm việc với các sàn thương mại điện tử Voso (Viettel Post), Sendo, Postmart, Tiki (Tiki Ngon) và các đối tác vận hành thương mại điện tử... để tổ chức hàng hóa, tăng cường nguồn hàng cho người dân khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.

Các sàn thương mại điện tử đã triển khai các chương trình như “Đi chợ tại nhà” của Sendo, “Tiếp sức Sài Gòn-Tiki trao tươi ngon” của Tiki, “Thực phẩm bình ổn” của Shopee hay chương trình “An tâm ở nhà” của Voso để cùng chung tay chung sức đảm bảo cung ứng và bình ổn giá cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là các thực phẩm tươi sống, lương thực, hàng thực phẩm.

Trong thời gian đầu triển khai, các khâu tổ chức hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng và vận chuyển hàng thực sự gặp rất nhiều khó khăn và bị hạn chế di chuyển. Lượng đơn hàng tăng nhưng khâu vận chuyển, giao hàng không thể đáp ứng được do tình hình giãn cách ở các khu vực.

Tuy nhiên, cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ ngành Trung ương và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, các chương trình do các sàn thương mại điện tử triển khai đang từng bước ổn định và có những kết quả tích cực. Điều này mang những giá trị thực sự đến với người tiêu dùng tại các vùng có dịch.

Cụ thể trong những ngày qua, sàn thương mại điện tử Sendo đã phối hợp với các nhà vận hành tạo ra các combo rau quả giao ngay, thịt tươi mỗi ngày áp dụng hình thức giao nhanh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các sản thực phẩm tươi sống đều được cung cấp đầy đủ và được tiêu thụ rất nhanh theo ngày.

Bên cạnh đó, các sàn như Tiki, Shopee hay Lazada với các thực phẩm tươi sống tương tự cũng được tiêu thụ nhanh và tiếp tục tìm kiếm thêm nguồn cung đảm bảo chất lượng, giá cả ổn định cho người dân.

Sàn thương mại điện tử Tiki đã ghi nhận khoảng 10 tấn rau của quả và 10.000 đơn hàng/ngày đối với mặt hàng thiết yếu, các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu trên Shopee đã tăng mạnh khoảng trên 30 tấn/ngày hay sàn thương mại điện tử Lazada thì sản lượng trung bình 5-10 tấn/ngày đối với rau xanh và thực phẩm chế biến.

Đặc biệt, sàn thương mại điện tử Voso và Postmart có lợi thế về logistics nên đã tổ chức được cả hình thức bán hàng bình ổn giá online kết hợp offline, đảm bảo vận chuyển tới từng khu vực cách ly hoặc bán trực tiếp tại các bưu cục của Viettel Post, VietnamPost, bưu điện văn hóa xã...

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn ban đầu nhưng các sàn thương mại điện tử đã nỗ lực để tìm ra phương án hợp lý nhất trong nguồn cung và giao vận tại các vùng có dịch.

Việc cung ứng và tiêu thụ hàng hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng có dịch luôn được đảm bảo kịp thời, hàng hóa chất lượng và giá cả hợp lý cho người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử cho biết với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, kênh thương mại điện tử đang góp phần hỗ trợ cho kênh phân phối truyền thống, giúp người dân có thể mua sắm một cách thuận lợi tại nhà và giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm.

Uyên Hương