Trần Dương

THACO GROUP của tỷ phú Trần Bá Dương có năng lực và kinh nghiệm nào để có thể làm đường sắc tốc độ cao Bắc Nam?

Như chúng tôi đã thông tin hôm 26/5, Tập đoàn THACO của tỷ phú Trần Bá Dương đã gửi công văn đến Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất được tham gia làm đường sắc tốc độ cao Bắc Nam theo tinh thần của Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Vậy THACO có năng lực và kinh nghiệm gì để đáp ứng khả năng làm được tuyến đường sắc tốc độ cao Bắc Nam có tổng mức đầu tư dự kiến lên đến hơn 67 tỷ USD?

Được biết, Tập đoàn THACO được thành lập năm 1997, khởi đầu với lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô. Sau 28 năm hình thành và phát triển, THACO đã vươn lên trở thành một tập đoàn công nghiệp đa ngành, với hệ sinh thái gồm nhiều công ty thành viên hoạt động trong các lĩnh vực then chốt gồm: THACO AUTO (sản xuất, lắp ráp và phân phối ô tô); THACO AGRI (nông nghiệp); THACO INDUSTRIES (cơ khí và công nghiệp hỗ trợ); THILOGI (logistics và vận tải); THADICO - Đại Quang Minh (đầu tư và phát triển hạ tầng, bất động sản); và THISO (thương mại - dịch vụ, với hệ thống trung tâm thương mại và đại siêu thị Emart trên toàn quốc). Hiện tại Tập đoàn có 77.000 nhân sự.

thaco-tran-ba-duong-1748389506.jpg

Chủ tịch Tập đoàn THACO Trần Bá Dương trong một Hội nghị với Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 9/2024.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Trần Bá Dương cho hay, tập đoàn sẽ phân công 3 công ty trong hệ sinh thái là: THACO INDUSTRIES, làm đầu mối cùng với các doanh nghiệp trong nước nhận chuyển giao và sản xuất đầu máy, toa tàu, các linh kiện phụ tùng máy móc, thiết bị phục vụ dự án và các phương tiện vận tải kết nối với đường cao tốc Bắc - Nam.

Tập đoàn thành viên THADICO - ĐẠI QUANG MINH sẽ làm đầu mối cùng với các doanh nghiệp trong nước nhận chuyển giao để triển khai đầu tư - xây dựng, quản lý dự án, vận hành, bảo dưỡng, duy tu, bảo trì hạ tầng xây dựng; đồng thời đầu tư, khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận ga theo mô hình TOD để hình thành các khu đô thị tích hợp.

Tập đoàn thành viên THISO sẽ làm đầu mối cùng với các doanh nghiệp trong nước đầu tư, quản lý và vận hành các hạ tầng xã hội (hệ thống trung tâm thương mại, đại siêu thị Emart, trường học, bệnh viện, công viên,…) phục vụ nhu cầu thiết thực cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Năng lực của THACO thế nào?

Hiện tại, THACO INDUSTRIES có hơn 9.500 nhân sự, trong đó có 2.700 kỹ sư (gồm 2.000 kỹ sư sản xuất và 700 kỹ sư nghiên cứu phát triển - R&D). Hệ thống gồm Trung tâm R&D, tổ hợp cơ khí, tổ hợp sản xuất linh kiện phụ tùng và các nhà máy hiện đại.

Đơn vị này đã làm chủ công nghệ, tổ chức nghiên cứu phát triển, sản xuất và chế tạo nhiều loại máy móc, thiết bị kỹ thuật, kết cấu siêu trường - siêu trọng và sản phẩm công nghệ cao ngay tại Khu Kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam). Các sản phẩm của THACO INDUSTRIES được cung ứng cho nhiều hãng ô tô quốc tế, doanh nghiệp FDI và xuất khẩu đến hơn 20 thị trường toàn cầu. Sắp tới THACO INDUSTRIES sẽ triển khai khu công nghiệp chuyên cơ khí và hỗ trợ có diện tích 786 ha với quy mô lớn nhất cả nước.

cv-thaco-1-1748393169.jpg
 
cv-thaco-2-1748393200.jpg

Công văn THACO gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất làm đường sắc tốc độ cao hôm 26/5.

Ngoài ra, một công ty thành viên khác là THADICO - Đại Quang Minh có đội ngũ 2.600 nhân sự (trong đó hơn 1.000 là kỹ sư, kiến trúc sư và cán bộ quản lý dự án), là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư và quản lý các dự án hạ tầng quy mô lớn, mang tầm quốc gia. THADICO đã trực tiếp đảm nhiệm vai trò chủ đầu tư và tổng quản lý tại hàng loạt dự án trọng điểm như: sân bay, bến cảng, hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị. Một số công trình tiêu biểu có thể kể đến như: Sân bay Nongkhang (CHDCND Lào), cầu Ba Son, 4 tuyến đường chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị Sala và sắp tới là dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây – Tân Phú đang chuẩn bị khởi công.

Ngoài ra, THACO cho biết sẽ hợp tác với các đối tác công nghệ hàng đầu từ châu Âu (Đức, Pháp) và châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) để tiếp nhận công nghệ hiện đại nhất. Mục tiêu không chỉ dừng ở việc xây dựng tuyến đường sắt, mà còn đặt nền móng cho ngành công nghiệp đường sắt trong nước, từ sản xuất đầu máy, toa xe, thiết bị tín hiệu đến quản lý vận hành.

Quy mô vốn và tình hình kinh doanh của THACO

 Thông tin từ hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia cho biết, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) tiền thân là Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải.

Vào năm 2020, THACO đã tăng vốn điều lệ từ mức 16.950 tỷ đồng lên 30.510 tỷ đồng. Theo thông tin từ THACO tính đến cuối quý I/2025, vốn chủ sở hữu của tập đoàn ở mức 57.861 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông là ông Trần Bá Dương chiếm 72% vốn điều lệ, Tập đoàn Jardin Matheson (Anh Quốc) chiếm 26,6% vốn điều lệ số còn lại là cán bộ công nhân viên chiếm 1,4% vốn.

Về tình hình kinh doanh, năm 2024 ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt 1.011 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 1.076 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023.

Dữ liệu kinh doanh vài năm gần đây cho thấy lợi nhuận của THACO bắt đầu giảm từ năm 2023, khi thị trường ô tô nói chung gặp nhiều khó khăn.

Trước đó năm 2022 đánh dấu một năm lãi lớn, khi tập đoàn đạt lợi nhuận ròng hơn 7.420 tỷ đồng. Nhưng đến năm 2023, con số này giảm còn 2.734 tỷ đồng.

Ở thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, tình hình kinh doanh của THACO khá khả quan, với lợi nhuận sau thuế thường dao động 5.000 - 6.000 tỷ đồng. Riêng năm 2015, lợi nhuận vượt mốc 7.000 tỷ đồng.

MINH TRÍ