SCIC sẽ thoái vốn Nhà nước tại Nhựa Tiền Phong trong tháng 1-2022

Admin

SCIC bắt buộc phải thoái vốn Nhựa Tiền Phong, Bảo Minh, Bảo Việt SCIC trước 20/12/202, nhưng do Covid-19 nên chậm trễ về định giá.

Đinh Việt Tùng, Phó Tổng Giám đốc SCIC

Trong một buổi họp báo mới đây, ông Đinh Việt Tùng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), cho biết có 3 doanh nghiệp mà SCIC bắt buộc phải thoái vốn trước 20/12/2021 để nộp tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 20/12/2021 để nộp ngân sách Nhà nước nhưng bị chậm trễ:

- Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH);

- Tổng CTCP Bảo Minh (HoSE: BMI)

- CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP).

Theo ông Tùng, do vấn đề chậm trễ về định giá do Covid nhưng hiện việc định giá Nhựa Tiền Phong đã xong và trong tháng này sẽ triển khai đấu giá. Đây là 3 doanh nghiệp niêm yết nên việc bán vốn sẽ phải căn cứ dựa trên định giá của SCIC.

"Nghị định 140 quy định giá khởi điểm không thấp hơn giá do SCIC định giá, giá bình quân 30 phiên và giá tại ngày quyết định bán vốn. Do đó việc này bị điều chỉnh bởi thị trường rất lớn. Vừa rồi trường hợp bán vốn tại Dầu thực vật (Vocarimex), nhiều thắc mắc tại sao SCIC bán giá 28 mà tại ngày bán giá 36 vì có chênh lệch giữa thời điểm công bố thông tin và ngày bán vốn. Giá mang tính tương đối vì phụ thuộc vào thị trường", ông Đinh Việt Tùng chia sẻ.

Với Bảo Việt, SCIC đã xong mọi quy trình và báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đã có văn bản tạm thời chưa triển khai cho đến khi Bộ Kế hoạch Đầu tư có quyết định về tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Bảo Việt. Nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản đã ngỏ ý nếu thuận mua vừa bán.

Với Bảo Minh, mọi quy trình đã xong nhưng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đang chờ Bộ Tài chính, SCIC muốn mở rộng nhà đầu tư nước ngoài nên Bảo Minh vẫn đang chờ mở room để tối đa hoá lợi ích bán vốn.

Ông Tùng cho biết với 3 doanh nghiệp này Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký văn bản báo cáo Thủ tướng trong vấn đề cân đối ngân sách, nếu bán sẽ bán trong năm 2022.

Ông Tùng cho biết, doanh thu cả năm của SCIC đến 31/12 ước đạt 7.213 tỷ đồng, bằng 111% kế hoạch. Trong đó, doanh thu cổ tức ước đạt 4.409 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch, doanh thu bán vốn ước đạt 1.390 tỷ đồng, trong đó chênh lệch bán vốn là 933 tỷ đồng, gấp 3 lần kế hoạch và doanh thu tài chính ước đạt 1.404 tỷ đồng, bằng 108% kế hoạch.

Về công tác bán vốn, doanh thu bán vốn ước đạt 1.390 tỷ đồng, trong đó chênh lệch bán vốn là 933 tỷ đồng, gấp 3 lần kế hoạch. Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp bán vốn không nhiều do nguyên nhân khách quan, đặc biệt do cơ chế. Sau khi Nghị định 140 ban hành vào tháng 12/2020 nhưng đến tháng 7/2021 thông tư 36 hướng dẫn Nghị định 140 mới có hiệu lực và SCIC chỉ có thể triển khai bán vốn từ tháng 7 trở đi, trong khi thời điểm đó đang Covid. SCIC phải trực tiếp xuống đến doanh nghiệp để định giá, dẫn đến kết quả về số lượng doanh nghiệp bán vốn không nhiều cho dù giá trị bán cao gấp nhiều lần.

HẢI ANH