Trần Dương

Sở hữu gần 50 cửa hàng, phân phối hàng loạt thương hiệu tên tuổi, Hoàng Phúc lãi chỉ 1,9 tỷ đồng trong năm 2022

CTCP Đầu tư Hoàng Phúc Quốc tế - nhà phân phối bán lẻ các thời trang thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam (như Kappa, Ecko Unltd, Superga, Replay, Staple) đã công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Hoàng Phúc cho thấy lợi nhuận sau thuế 2022 chỉ đạt 1,9 tỷ đồng, giảm tới 83% so với mức 11 tỷ đồng của năm trước.

Theo đó, không tiết lộ doanh thu nhưng báo cáo của Hoàng Phúc cho thấy lợi nhuận sau thuế 2022 chỉ đạt 1,9 tỷ đồng, giảm tới 83% so với mức 11 tỷ đồng của năm trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm từ 98,35% còn 8,12%.

Hoàng Phúc cho biết tính đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của Công ty đạt hơn 23 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2021. Tuy nhiên hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tăng từ 16,68 lên 19,66 lần. Dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu tăng từ 0 lên 0,48 lần.

Nguyên nhân nợ của công ty tăng là do vào tháng 08/2022, Hoàng Phúc huy động 11 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 24 tháng (tính từ 30/08/2022 – 30/08/2024), lãi suất cố định 12,5%/năm.

Lô trái phiếu của Hoàng Phúc là trái phiếu không chuyển đổi, được đảm bảo bằng 6,3 triệu cổ phần Hoàng Phúc thuộc sở hữu của ông Bùi Văn Phúc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Doanh nghiệp đứng vai trò đăng ký và lưu ký trái phiếu này là CTCP Chứng khoán APG (APG). Tổng giá trị tài sản bảo đảm là 150,6 tỷ đồng.

Được biết, thương hiệu Hoàng Phúc được xây dựng từ năm 1989, với hơn 30 năm trong lĩnh vực bán lẻ thời trang, sở hữu gần 50 cửa hàng trên khắp Việt Nam. Pháp nhân CTCP Đầu tư Hoàng Phúc Quốc tế được thành lập năm 2017. Theo đăng ký kinh doanh thay đổi gần nhất, vốn điều lệ của Hoàng Phúc đã tăng lên 100 tỷ đồng.

LÊ TRÍ