Trần Dương

Quốc Cường Gia Lai (QCG) của bà Nguyễn Như Loan chuyển nhượng dự án 39 Bến Vân Đồn và bóng dáng của đại gia Đặng Phước Dừa

Công ty Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã mua phần vốn góp cho dự án 39-39B Bến Vân Đồn từ Công ty Việt Tín với tổng giá trị 464,2 tỷ đồng sau đó chuyển nhượng toàn bộ cho Công ty BĐS Thịnh Vượng với số tiền 830 tỷ đồng.

Theo báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vào cuối tháng 5/2024, Công ty Quốc Cường Gia Lai cho biết doanh nghiệp này đã mua phần vốn góp dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn (Q.4, TP. HCM) từ Công ty Việt Tín với tổng trị giá 464,2 tỷ đồng.

nguyen-nhu-loan-1718074885.jpg

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai.

Trong BCTC hợp nhất 2024 của CTCP Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) do Công ty Công ty Ernst & Young Việt Nam kiểm toán thể hiện, QCG đã chuyển nhượng toàn bộ khoản đầu tư Phú Việt Tín cho CTCP BĐS Thịnh Vượng với số tiền 830 tỷ đồng, ghi nhận khoản lãi gần 382 tỷ đồng.

Công bố chính thức từ phía CTCP Quốc Cường Gia Lai cho biết, công ty mua dự án 39-39B Bến Vân Đồn từ CTCP Đầu tư và Thương mại Việt Tín, không liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã chứng khoán GVR).

Cụ thể, năm 2013, QCG đã tiến hành đàm phán và ký kết hợp đồng hứa chuyển nhượng và đặt cọc cho Công ty Việt Tín (do ông Đặng Phước Dừa đại diện ký) để nhận chuyển nhượng 100% vốn của Công ty TNHH Phú Việt Tín - Chủ đầu tư dự án 39-39B Bến Vân Đồn. Theo đó, tổng giá vốn nhận chuyển nhượng do QCG chi trả theo thỏa thuận kèm hóa đơn, chứng từ là 464,2 tỷ đồng.

Tháng 8/2014, QCG đã nhận chuyển nhượng 79,2% vốn của Phú Việt Tín từ Công ty Việt Tín (do bà Lê Y Linh làm người đại diện) và 19,8% vốn từ CTCP Đầu tư và Thương mại Việt Tín (do ông Đặng Phước Dừa đại diện) với tổng phần vốn nhận chuyển nhượng là 99%.

Đến tháng 9/2014 QCG đã nhận chuyển nhượng 1% vốn còn lại của Phú Việt Tín, trong đó có Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai sở hữu 0,72% (tương đương 43,2 triệu đồng) và Công ty TNHH MTV Công ty Cao su Bà Rịa sở hữu 0,28%.

Phía QCG cho biết, việc nhận chuyển nhượng 1% còn lại đều theo sự sắp xếp và đề nghị của ông Dừa, bà Linh, đại diện bên bán trên cơ sở Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã có văn bản thống nhất ý kiến về việc chuyển nhượng.

Được biết, ông Đặng Phước Dừa, một doanh nhân từng gắn liền tên tuổi với DongA Bank, Eximbank và CTCP Xuất nhập khẩu Vật tư Kỹ thuật (Rexco).

Mới đây trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị liên quan đến những sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP.HCM. Hiện tại cả ông Dừa, bà Linh đều bị khởi tố và tạm giam.

dang-dua-1718075019.jpg

Ông Đặng Phước Dừa (bên phải) trước khi bị bắt.

QCG cũng cho biết trước khi thực hiện giao dịch này, QCG cũng đã nghiên cứu hồ sơ pháp lý Công ty Phú Việt Tín cũng như hồ sơ pháp lý dự án đầy đủ, đúng quy trình mới ký hợp đồng để nhận chuyển nhượng.

Liên quan đến câu hỏi việc giao dịch dự án 39-39B Bến Vân Đồn có qua đấu giá hay không, phía QCG cho biết đó là pháp lý của dự án do cơ quan chính quyền và UBND Thành phố quyết định về pháp lý của dự án theo từng thời kỳ trước đây 10 năm.

Lý giải về việc bán dự án 39-39B Bến Vân Đồn, phía QCG cho biết kế hoạch ban đầu doanh nghiệp này dự tính làm bến du thuyền kết nối từ dự án Bến Vân Đồn đến dự án Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP. HCM) để đưa khách hàng đi tham quan dự án Phước Kiển.

Tuy nhiên, do HĐQT đưa ra kế hoạch tài chính rằng nếu tập trung vào dự án Phước Kiển thì dự án Bến Vân Đồn phải chậm lại và không thể đầu tư hai dự án cùng lúc, điều này buộc HĐQT quyết định bán dự án Bến Vân Đồn.

Trong thông cáo báo chí, Tổng Giám đốc QCG - bà Nguyễn Thị Như Loan cho biết "Lý do bán rất tiếc, HĐQT nhận thấy tiềm năng của dự án Bến Vân Đồn nhưng vẫn phải hy sinh vì dự án Phước Kiển, bán để bớt gánh nặng về tài chính, tránh rủi ro cho công ty và cổ đông".

Theo như tài liệu do QCG công bố, ở lần định giá thứ nhất năm 2011, khu đất dự án Bến Vân Đồn có diện tích 5.780m2 được định giá xấp xỉ 195 tỷ đồng.

Trong lần định giá thứ 2 vào năm 2014, khu đất này được định giá còn 186 tỷ đồng (tương đương 32,2 triệu đồng/m2).

Liên quan đến dự án "khu đất vàng" 39-39B Bến Vân Đồn, theo kết luận của thanh tra Chính phủ năm 2021, Công ty Phú Việt Tín không lập dự án đầu tư tại khu đất này là vi phạm pháp luật.

Cơ quan thanh tra cũng cho rằng UBND TP. HCM có quyết định thu hồi, giao đất, chỉ định Phú Việt Tín làm nhà đầu tư thực hiện dự án số 39-39B Bến Vân Đồn mà không thông qua đấu giá là không đúng với Luật Đất đai 2003 và Thông tư 03/2009 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

THỊNH HUY