Trước đó, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam gửi UBND tỉnh Quảng Nam về góp ý và kiến nghị đối với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo Heineken, từ sau dịch COVID-19 nền kinh tế nói chung bao gồm cả ngành bia đang đối mặt với rất nhiều thách thức do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, dẫn đến sự sụt giảm niềm tin và nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc triển khai gắt gao Nghị định 100 về xử phạt nồng độ cồn khi tham gia giao thông dẫn đến sự thay đổi về hành vi, thói quen mới. Thị trường bia Việt Nam giảm thiểu 2 con số trong năm 2023 và tiếp tục sụt giảm trong năm 2024.
Theo doanh nghiệp, việc tăng thuế suất trong giai đoạn hiện nay cần được xem xét một cách thận trọng. Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái kéo dài, việc tăng thuế ngay lập tức có thể khiến tình hình trở nên khó khăn hơn khi người dân và doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn. Nếu tăng thuế quá nhanh, người tiêu dùng sẽ gặp khó khăn trong điều chỉnh chi tiêu dẫn đến sức mua và tiêu cực đến thị trường. Cần xem xét kỹ lượng độ co giãn của cầu theo giá trong trường hợp này.
"Khi thuế tiêu thụ đặc biệt tăng, giá hàng hóa sẽ tăng theo, kéo theo việc giảm sản lượng tiêu thụ. Kết quả là gây ra những hệ lụy nghiêm trọng như thất thu thuế cho Chính phủ, đóng cửa các nhà máy sản xuất và gia tăng thất nghiệp trong ngành" - doanh nghiệp này thông tin.
Liên quan đến bản thảo Luật thuế Thuế tiêu thụ đặc biệt, Heineken Việt Nam đề xuất 3 kiến nghị về tách biểu thuế TTĐB hiện tại; lộ trình tăng thuế, chiến lược cải cách thuế lâu dài.
Theo đó, Heineken Việt Nam đã đóng cửa nhà máy bia tại Quảng Nam. Đây là nhà máy nhỏ nhất về quy mô trong số 6 nhà máy của hãng này. Nhà máy hoạt động tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) từ năm 2007 trên diện tích 7,6ha.
Theo ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc nhà máy này đóng cửa sẽ gây thất thu khoảng gần 500 tỷ đồng mỗi năm cho tỉnh tại thời điểm hiện tại, trước đây công ty này đóng góp khoảng 1.000 đến 1.200 tỷ đồng.
AN NHIÊN