Tháng 11-2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận về hàng loạt sai phạm của ông Tất Thành Cang. Trong đó phải kể đến thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND TP, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP, ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trước khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo những vi phạm đối với ông Tất Thành Cang, Ban thường vụ Thành ủy TPHCM đã kỷ luật ông Tất Thành Cang vì liên quan đến vụ chuyển nhượng dự án Khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường Gia Lai gây thiệt hại 150 tỉ đồng của Nhà nước..
Tuy nhiên, ngày 16-12-2020, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TPHCM quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam theo tội danh “Vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Quyết định khởi tố này được xác định liên quan đến các vi phạm của ông Cang trong việc phát hành cổ phiếu tại ITC (Công ty phát triển Công nghiệp Tân Thuận) và Công ty cổ phần Sadeco (Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn).
Với vai trò khi ấy là Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TPHCM, ông Tất Thành Cang đã có những sai phạm gì ở Sadeco?
Phù phép tài sản nhà nước rơi vào tay cá nhân
Sadeco là công ty con của IPC, là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước với vốn điều lệ khoảng 2.900 tỉ đồng, tỷ lệ vốn góp của IPC là 74,8%. Vốn điều lệ của Sadeco tại thời điểm này là 170 tỉ đồng (tương ứng 17 triệu cổ phiếu). Vốn của cổ đông là cơ quan, doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ 62,8%, trong đó IPC chiếm tỷ lệ 44%, Đảng bộ TP 16,7%...
Sadeco nắm trong tay quỹ đất dự án hàng trăm héc ta tại nhiều vị trí đắc địa ở TP.HCM.
Theo Công an TPHCM, quá trình điều tra các vi phạm trong việc phát hành cổ phiếu tại IPC và Sadeco, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã phát hiện các dấu hiệu sai phạm liên quan đến ông Tất Thành Cang.
Cụ thể là ông Cang đã sai phạm trong việc chấp thuận chủ trương, phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ Sadeco, gây thiệt hại tiền của Nhà nước.
Tại Thông báo số 495 ngày 18-5-2017, Văn phòng Thành ủy TPHCM đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco...
Từ văn bản này, hàng loạt sai phạm đã xảy ra tại Sadeco. Đến nay, nhiều lãnh đạo của công ty này đã bị bắt.
Năm 2015, khi duyệt đề án tái cơ cấu, UBND TPHCM yêu cầu IPC không được giảm thêm tỷ lệ sở hữu vốn. Thế nhưng IPC vẫn phớt lờ yêu cầu này và vẫn bán cổ phần Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim.
Cụ thể, ngày 5-4-2017, Tề Trí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty IPC kiêm Chủ tịch HĐQT Sadeco ký Văn bản trình UBND TPHCM thông qua phương án phát hành 9 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ Sadeco theo hình thức phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim. Giá phát hành dự kiến là 40.000 đồng/cổ phần.
Ngày 18-5-2017, Văn phòng Thành ủy có Văn bản số 495 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang “chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco”.
Ngày 10-8-2017, Tề Trí Dũng và Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng Giám đốc Sadeco) ký biên bản làm việc với Công ty Nguyễn Kim, chủ động đưa ra số lượng cổ phần phát hành là 9 triệu cổ phần, với giá 40.000 đồng/cổ phần mà không có sự thương thảo nào khác. Sau đó, Công ty Nguyễn Kim thanh toán 360 tỉ đồng cho Sadeco để mua 9 triệu cổ phần nêu trên.
Sau vụ chuyển nhượng này, tỷ lệ sở hữu vốn của nhóm cổ đông Nhà nước tại Sadeco giảm từ 62,8% xuống còn 41%. trong đó tỷ lệ sở hữu vốn của IPC từ 44% giảm còn 28,8%. Ngược lại, Công ty Nguyễn Kim chiếm tỷ lệ chi phối tại Sadeco với hơn 54% vốn điều lệ.
Thẩm định giá không đúng qui định của Bộ Tài chính
Cơ quan Điều tra xác định, quá trình biểu quyết thông qua chủ trương phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ của HĐQT IPC và các báo cáo của IPC gửi UBND TP, Văn phòng Thành ủy đều căn cứ báo cáo định giá của Công ty HSC để xác định giá phát hành 9 triệu cổ phần (40.000 đồng/cổ phần) cho Công ty Nguyễn Kim.
Tuy nhiên, Công ty HSC chỉ có chức năng tư vấn đầu tư chứng khoán, không có chức năng thẩm định giá theo quy định của Bộ Tài chính. Chuyên viên được giao nhiệm vụ thực hiện không được cấp thẻ thẩm định viên về giá.
Các thành viên HĐQT Sadeco đại diện vốn nhà nước chỉ căn cứ báo cáo định giá của Công ty HSC để xác định giá phát hành cổ phần mà không kiểm tra giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần của chính Công ty Nguyễn Kim trước đó là 57.000 đồng/cổ phần. Điều này đã gây thiệt hại cho Sadeco 153 tỉ đồng.
Sau đó, IPC đã yêu cầu Chi cục Tài chính Doanh nghiệp thành phố trình UBND TPHCM phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco xuống 28,8%. Theo Thanh tra TPHCM, văn bản 495 chỉ truyền đạt ý kiến cá nhân của ông Tất Thành Cang, không phải của tập thể Thường trực Thành ủy.
Từ ý kiến chỉ đạo của ông Tất Thành Cang về phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco, giao Văn phòng Thành uỷ chỉ đạo người đại diện quản lý vốn đầu tư để thực hiện chủ trương trên tại Đại hội đồng cổ đông năm 2017.
Sau đó, IPC giảm tỷ lệ vốn nhà nước từ 44% xuống 28,8% theo đề nghị của cổ đông. Sadeco đã hoàn tất việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim, tăng vốn điều lệ từ 170 tỷ đồng lên 260 tỉ đồng.
Theo Cơ quan Điều tra, quá trình chọn cổ đông chiến lược không được báo cáo đầy đủ, minh bạch, đánh giá không đúng năng lực của đối tác. Giá phát hành cổ đông cho cổ đông chiến lược không đúng thực tế giá trị tài sản và tiềm lực công ty, cũng như không có căn cứ pháp lý không đảm bảo lợi ích của Sadeco… Việc phát hành 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần không thông qua thẩm định đấu giá đã gây thất thoát cho Sadeco số tiền 208 tỉ đồng.
KIM ĐIỀN