Thông tin được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói trong phiên họp kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, chiều 1/7.
Kỳ vọng của lãnh đạo thành phố đặt ra trong bối cảnh GRDP 6 tháng đầu năm tăng 6,46% so với cùng kỳ 2023, tốc độ cao nhất kể từ 2020. Tuy nhiên, tốc độ đã chậm lại theo quý. Sau quý I tăng cao hơn cả nước, đạt 6,54% thì quý II thấp hơn cả nước, còn 6,31%, đồng thời thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương.
Quý II giảm tốc do các trụ cột từ công nghiệp, dịch vụ lẫn đầu tư công có xu hướng chậm lại. Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP HCM, chế biến - chế tạo quý rồi tăng thấp hơn mức chung của ngành công nghiệp.
Lĩnh vực xây dựng từng được kỳ vọng cao nhưng chưa đạt mong đợi cho giải ngân đầu tư công chậm và thị trường bất động sản chưa bật lên rõ nét. Tính đến hết tháng 6, giải ngân đầu tư công của TP HCM chỉ mới đạt 13,8% kế hoạch cả năm.
Tiêu dùng quý II cũng xu hướng chậm lại, chỉ tăng 10% dù có nhiều biện pháp kích cầu. "Bức tranh chung quý II đang chậm so với trung bình cả nước", ông Nguyễn Khắc Hoàng nhận xét.
Để GRDP tăng tốc trong hai quý còn lại, ông Phan Văn Mãi đề nghị thành phố Thủ Đức, các quận - huyện và sở ngành tập trung mọi nỗ lực, tìm mọi giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, cố gắng đạt 8% vào quý IV.
Trong đó, đầu tư công đã lập tổ chuyên trách để họp bàn hàng ngày, đầu tư tư nhân đã có tổ chuyên trách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. "Cần tháo gỡ ngay các vướng mắc đầu tư công lẫn tư, mỗi tuần phải rà soát lại các hoạt động này", ông Mãi lưu ý. Sắp tới, TP HCM sẽ tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư để thu hút thêm vốn.
Với dịch vụ tiêu dùng, Sở Du lịch nhận nhiệm vụ vạch ra các kế hoạch lễ hội, sự kiện cho nửa cuối năm để xây dựng thương hiệu du lịch sự kiện cho thành phố. Bên cạnh chi tiêu hộ gia đình và doanh nghiệp, cơ quan hành chính được vận động có kế hoạch tăng mua sắm.
AN NHIÊN