Theo đó, thời gian nộp hồ sơ là 3 tháng kể từ ngày UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản chấp thuận. Sau thời gian trên, nếu Liên danh được giao lập hồ sơ đề xuất Dự án không có hồ sơ báo cáo thì văn bản này hết hiệu lực.
Quốc lộ 15D là tuyến đường bộ nối từ cảng biển Mỹ Thủy đến cửa khẩu Quốc tế La Lay, kết nối khu vực duyên hải miền Trung với khu vực Nam Lào, Đông Thái Lan. Dự án có dài khoảng 92km, bao gồm 5 đoạn.
Đoạn 1 từ cảng Mỹ Thủy đến Quốc lộ 1, chiều dài khoảng 14 km đã được đầu tư có quy mô đường cấp III, 2 làn xe. Đoạn 4 đi trùng đường Hồ Chí Minh, chiều dài khoảng 24 km, quy mô cấp III, 2 làn xe. Đoạn 5 từ đường Hồ Chí Minh đến Cửa khẩu La Lay, chiều dài khoảng 12 km, đã có đường cũ với quy mô đường cấp IV-VI miền núi.
Và 42 km còn lại dài khoảng 42 km xây dựng mới, chưa được đầu tư bao gồm: đoạn 2 từ Quốc lộ 1A đến cao tốc Cam Lộ-La Sơn dài 8km và đoạn 3 từ cao tốc Cam Lộ-La Sơn đến đường Hồ Chí Minh nhánh tây dài 34km.
UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, hai đoạn này đã được tỉnh Quảng Trị và Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, tính toán với quy mô đảm bảo nhu cầu khai thác, phù hợp quy hoạch, tổng mức đầu tư 42km là 6.800 tỷ đồng.
Trong số 3 nhà đầu tư nói trên, CTCP Tập đoàn Hoành Sơn là Tập đoàn hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực như: Thương mại xi-măng, quặng; xây dựng và đầu tư; dịch vụ đường biển; khai thác tàu biển...
Hoành Sơn được thành lập bởi ông Phạm Hoành Sơn (thường gọi là Sơn "Xay xát"), có trụ sở chính tại tỉnh Hà Tĩnh. Tổng tài sản Hoành Sơn ở mức 250 triệu USD, doanh thu hàng năm 180 triệu USD và có hơn 2.000 nhân viên.
Năm 2018, vốn điều lệ của Hoành Sơn là 1.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm ông Phạm Hoành Sơn sở hữu 95%; bà Nguyễn Thị Hằng Nga sở hữu 4% và bà Lưu Thị Duyên sở hữu 1% còn lại.
Hoành Sơn sở hữu nhiều dự án xây dựng nghìn tỷ như: Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (4.415 tỷ đồng), Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn (gần 1.500 tỷ đồng); Nhà máy Bia Hà Nội – Nghệ Tĩnh (1.200 tỷ đồng)… Gần đây, Hoành Sơn đã đề xuất với tỉnh Hà Tĩnh về việc khảo sát, thực hiện Dự án bất động sản hai bên đường Hàm Nghi tại TP.Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà.
Đáng chú ý, khu đất này từng được quy hoạch là khu đô thị có tổng mức đầu tư khoảng 23.545 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Vinhomes và Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh & Phát triển thương mại Việt An trúng sơ tuyển hồi giữa năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2023, 2 doanh nghiệp trúng sơ tuyển dự án có văn bản xác nhận không tiếp tục tham gia dự thầu dự án. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định huỷ kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Hàm Nghi tại TP.Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà.
Hoành Sơn cũng lấn sân sang dự án tái tạo năng lượng với dự án Nhà máy Điện mặt trời Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên), công suất 50 MWp, tổng mức đầu tư 1.458 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thông tin từ Nhà đầu tư, hồi đầu năm 2023, Hoành Sơn muốn bán dự án điện mặt trời cho doanh nghiệp nước ngoài với giá 23,9 triệu USD.
Hồi năm 2016, cái tên Hoành Sơn nổi lên trong giới tài chính khi Công ty TNHH MTV Hoành Sơn – công ty con của CTCP Tập đoàn Hoành Sơn thâu tóm dự án cảng Phước An thông qua việc mua cổ phần của CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An.
Dự án Cảng Phước An có tổng diện tích lên tới 733,4 ha (183 ha khu cảng và 550,4 ha khu dịch vụ hậu cần cảng), với tổng vốn đầu tư 17.571,36 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, khu cảng Phước An có năng lực phục vụ tàu có trọng tải đến 60.000 DWT, gồm 10 bến (6 bến container và 4 bến tổng hợp) với tổng chiều dài 3.050 m. Công suất bến là 2,5 triệu TEU/năm hàng container và 6,5 triệu tấn/năm hàng tổng hợp. Còn khu dịch vụ hậu cần cảng có công suất bến là 2,2 triệu TEU/năm hàng container và 4 triệu tấn/năm hàng tổng hợp.
Năm 2016, Cảng Phước An tiến hành tăng vốn điều lệ từ 440 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng bằng cách chào bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty TNHH MTV Hoành Sơn. Lúc này, Công ty TNHH MTV Hoành Sơn sở hữu 51,11% vốn điều lệ công ty.
Năm 2017, Cảng Phước An tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 900 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Hoành Sơn là cổ đông duy nhất mua số cổ phiếu trị giá 200 tỷ đồng, sở hữu 60% cổ phần.
Đến tháng 2/2019, ông Phạm Hoành Sơn đã bán Công ty TNHH MTV Hoành Sơn cho Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6A –nằm trong hệ thống công ty con của CTCP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc. Công ty TNHH MTV Hoành Sơn đã bán ra hơn 25,8 triệu cổ phiếu vào tháng 6/2022.
Cùng thời gian, Hoành Sơn còn nổi tiếng với thương vụ trở thành cổ đông lớn của Công ty CP Cao su Sao Vàng và tuyên bố đầu tư thực hiện dự án Tổ hợp thương mại và nhà ở Sao Vàng - Hoành Sơn tại 231 Nguyễn Trãi (Hà Nội). Ông Phạm Hoành Sơn cũng trở thành Chủ tịch của Cao su Sao vàng.
AN NHIÊN