Trần Dương

OCB tiến hành IPO đúng “ngày đen tối” trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, tài sản bốc hơi hơn 5.000 tỷ đồng ngay phiên giao dịch đầu tiên

Ngày 28/1/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) chính thức tổ chức lễ trao quyết định niêm yết và đưa hơn 1 tỷ cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) vào giao dịch. Và trong ngày ngân hàng tiến hành IPO đúng thời điểm bán tháo của thị trường. Tài sản của ngân hàng bốc hơi hơn 5.000 tỷ đồng.

Theo đó, tổng giá trị chứng khoán niêm yết của cổ phiếu OCB đạt 10.959 tỷ đồng, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 22.900 đồng/cp, biên độ giao động giá +/-20%.

OCB tiến hành IPO đúng “ngày đen tối” trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, tài sản bốc hơi hơn 5.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong phiên giao dịch đầu tiên của OCB chứng kiến một cuộc ‘call margin’ lớn nhất trong lịch sử của thị trường chứng khoán khiến cổ phiếu của OCB rơi vào trạng thái nằm sàn khi giảm từ 20.999 đồng xuống còn 18.350 đồng. Theo tính toán với việc giảm đến tới 19.87%, tài sản của OCB thiệt hại trong phiên giao dịch đầu tiên là hơn 5.000 tỷ đồng.

Theo đó, vốn hóa của OCB đang ở mức 25.000 tỷ đồng xuống còn gần 20.000 tỷ đồng.

Trước thềm niêm yết, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT đã đăng ký mua hơn 16,3 triệu cổ phần ngân hàng. Tính đến ngày 23/11/2020, ông Tuấn đã nâng sở hữu của mình lên 48,6 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu là 4,43%. Tổng sở hữu của gia đình ông Trịnh Văn Tuấn hiện vào mức 16,18% vốn tại OCB, tương ứng lượng cổ phiếu trị giá hơn 3.200 tỷ đồng.

Với tỷ lệ cổ phiếu sở hữu như vậy, ông Trịnh Văn Tuấn và gia đình là những người chịu thiệt hại nhiều nhất. Theo đó, ông Tuấn và gia đình đang nắm giữ 16,18% vốn tại OCB, tương ứng tài sản đã bốc hơi hơn 800 tỷ đồng chỉ trong phiên giao dịch đầu tiên.

Không chỉ bị bay hơi tài sản, tham vọng đưa OCB lên sàn gặp nhiều thách thức khác.

Theo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) thì: hoạt động của ngân hàng này hiện phụ thuộc quá nhiều vào nhóm khách hàng phân khúc SME nhỏ. Nguồn huy động của OCB hiện phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp SME và doanh nghiệp lớn (chiếm 41,8% tổng huy động), điều này làm gia tăng chi phí vốn của ngân hàng. Ngân hàng cũng khó giảm chi phí vốn khi tỷ lệ CASA hiện ở mức rất thấp, chỉ đạt 11,7% so với ngưỡng bình quân ngành là 17,3% tính đến cuối quý III/2020.

Một điểm cần lưu ý là, tỷ lệ nợ xấu của OCB cũng cao do danh mục cho vay tập trung nhiều vào nhóm các doanh nghiệp SME nhỏ. Tỷ lệ nợ xấu quý III/2020 của OCB đạt 2,15%, tăng từ mức 1,84% tính đến cuối 2019. Đây là một tỷ lệ thuộc ở mức cao so với các ngân hàng truyền thống và chỉ xếp sau ngân hàng có lĩnh vực cho vay nhiều rủi ro là VPBank.

Về kết quả kinh doanh, trong giai đoạn từ 2011 đến nay, ngân hàng này luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Trong 5 năm trở lại đây, OCB giữ vị trí số 1 tốc độ tăng trưởng kép về tổng tài sản đạt 25%, tăng từ 49.447 tỷ lên 152.687 tỷ đồng. Cùng thời gian này, vốn điều lệ ngân hàng cũng tăng hơn 2 lần từ 4.000 tỷ lên 10.959 tỷ đồng.

Theo đó, lợi nhuận ngân hàng cũng tăng trưởng cao, từ mức lợi nhuận dưới 500 tỷ trong giai đoạn 2011 – 2015, đến nay OCB đã đạt lợi nhuận trước thuế 4.420 tỷ đồng trong năm 2020.

MINH TRÍ