Trần Dương

Năm 2021, lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân thấp hơn khách hàng doanh nghiệp, người dân không còn mặn mà gửi tiền ở ngân hàng mà lựa chọn kênh đầu tư khác

Theo Ngân hàng Nhà nước, cuối năm 2021, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng, tăng tới 15,73% so với cuối năm 2020. Theo đó, đây là năm đầu tiên ghi nhận tiền gửi của các doanh nghiệp vượt qua tiền gửi của người dân. Trong năm qua, tiền gửi của người dân chỉ tăng 3,08% lên 5,3 triệu tỷ đồng.

Trước đó, cuối năm 2020, tiền gửi của người dân đạt 5,1 tỷ đồng, cao hơn so với doanh nghiệp (chỉ đạt hơn 4,87 tỷ đồng).

Ngoài tác động do đại dịch Covid-19 khiến người dân khó khăn trong giao dịch với ngân hàng nên họ phải rút tiền mặt về còn một lý do quan trọng khác theo các chuyên gia là họ đã không còn mặn mà với kênh ngân hàng vì lãi suất quá thấp.

Cụ thể, người dân có xu hướng đổ tiền vào các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản.

Năm 2021, có tới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán được nhà đầu tư trong nước mở mới, bằng 4 năm trước cộng lại và vẫn đang tăng với tốc độ vũ bão. 2 tháng đầu năm, số tài khoản mở mới đã đạt hơn 405 nghìn tài khoản, lớn hơn cả năm 2020 (hơn 393 nghìn tài khoản). Tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước hiện đạt hơn 4,7 triệu, tương đương với khoảng 4,8% dân số.

Ngoài ra, bất động sản vẫn là kênh hút mạnh dòng tiền trong dân. Cho dù Covid-19 làm nền kinh tệ ngưng trệ trong 2 năm liên tiếp nhưng giá bất động sản vẫn không ngừng tăng lên, có nơi còn tăng trưởng 100% đến 200%. Điều này chứng tỏ tiền đổ vào bất động sản vẫn rất mạnh mẽ.

Trong khi đó, doanh nghiệp lại ngày càng gửi nhiều tiền vào ngân hàng do dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến họ ngại ngần trong việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc gửi lượng lớn tiền mặt vào ngân hàng cũng giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, đồng thời chờ khi nền kinh tế phục hồi để tận dụng cơ hội bứt phá.

Bên cạnh đó, bất chấp đại dịch, nhiều công ty, tập đoàn lớn vẫn ăn nên làm ra và gửi thêm thêm hàng nghìn tỷ đồng vào ngân hàng trong năm qua. Đơn cử, số dư tiền gửi của Tập đoàn Masan cuối năm 2021 đạt tới 22.200 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cuối năm 2020. Tập đoàn FPT tăng thêm hơn 9.000 tỷ, nâng tiền gửi lên hơn 26.000 tỷ đồng,…

Giới phân tích cho rằng lãi suất có thể đã chạm đáy trong năm 2021. Năm 2022, trước áp lực lạm phát và nhu cầu huy động vốn để đẩy mạnh tín dụng, lãi suất huy động sẽ tăng trở lại.

AN NHIÊN