Giá nhà ở xã hội tăng cao
Qua khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, giá một căn hộ tại dự án Rice City Linh Đàm đã bàn giao từ năm 2015, hiện đã chạm mức gần 60 triệu đồng/m2, tương đương 4,14 tỷ đồng cho căn hộ có diện tích 70m2. Tương tự, tại dự án nhà ở xã hội Ecohome 3 (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) cũng đang rao bán một căn hộ với giá trên 2,9 tỷ đồng cho diện tích gần 58m2.
Có thể thấy, trong những năm gần đây, không chỉ giá các căn hộ mới mà cả những căn hộ cũ cũng liên tục leo thang. Những dự án nhà ở xã hội trước đây có giá khá thấp, nay cũng đã tăng mạnh, tiệm cận giá các căn hộ thương mại trên thị trường.
Các chuyên gia chỉ ra, nguồn cung nhà ở xã hội tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM ngày càng khan hiếm đã khiến giá tăng vọt. TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, cơ cấu nguồn cung hiện nay đang thiên về các sản phẩm cao cấp có giá trị lớn và phục vụ mục đích đầu tư. Sự mất cân đối kéo dài này đã khiến giá nhà ở liên tục tăng cao, bao gồm cả nhà ở xã hội.
Theo số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, hiện thành phố có 40 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai, trong đó có 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021-2025 với khoảng 870.000m2 sàn, tương đương hơn 12.000 căn hộ.
Bên cạnh đó, còn 22 dự án dự kiến hoàn thành sau năm 2025, cung cấp thêm khoảng 22.400 căn hộ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, Hà Nội chỉ có 4 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành, cung cấp khoảng 5.300 căn hộ.
Kỳ vọng sớm gia tăng nguồn cung
Để thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu và nguồn cung của thị trường, Chính phủ gần đây đã có thêm nhiều nỗ lực thúc đẩy, hứa hẹn sẽ giúp công tác xây dựng nhà ở xã hội sớm khởi sắc.
Vừa qua, tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết doanh nghiệp đã đăng ký xây dựng 500.000 căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để đạt tiến độ, ông Vượng đề xuất với Chính phủ một số hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.
Liên quan đến nội dung về 10% lợi nhuận, Vingroup đề nghị Chính phủ đẩy mạnh việc đơn giản hóa và rút ngắn thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng cách áp dụng cơ chế chỉ định nhà đầu tư, giúp đẩy nhanh quá trình phê duyệt dự án.
Về tiêu chuẩn của nhà ở xã hội, Vingroup đề xuất nâng cấp các tiêu chuẩn hiện hành, không chỉ phục vụ cho người có thu nhập thấp mà còn mở rộng cho cả những người chưa giàu, nhằm tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân.
Các tiện ích như hầm để xe, khu vui chơi cho trẻ em và các tiện ích cho người cao tuổi cần được xem xét để đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài. Đặc biệt, Vingroup đề xuất đổi tên "nhà ở xã hội" thành "nhà ở Chính phủ" nhằm giảm định kiến và tạo sự thoải mái cho người sử dụng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đề nghị dành riêng một phần nhà ở xã hội cho cán bộ viên chức, lực lượng vũ trang, quân đội và công an, nhằm nâng cao an sinh xã hội.
Hay trong ngày 22/9, Thủ tướng đã đến thăm dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội Thống Nhất tại Bắc Ninh, hoàn toàn được xây dựng từ vốn vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Điều này đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ tới phân khúc này, hứa hẹn sẽ có nhiều thay đổi tích cực trong thời gian tới.
Liên quan đến việc giải ngân gói 120.000 tỷ đồng đối với dự án nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã tích cực bắt tay thực hiện. Tuy nhiên, mức giải ngân còn thấp. Hiện nay, Bộ Xây dựng cùng với Ngân hàng Nhà nước đang rà soát, đánh giá lại một số nội dung.
"Sau khi được phê duyệt đề án 1 triệu căn hộ, các địa phương đã vào cuộc, hiện nay chúng ta đang thực hiện 619 dự án với quy mô khoảng 561.000 căn hộ, trong đó chúng ta mới hoàn thành 79 dự án với 40.600 căn, hiện nay đang khởi công 128 dự án với quy mô khoảng 112.000 căn. Các địa phương cũng đã chấp thuận chủ trương 412 dự án, với quy mô 409.000 căn", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh thông tin.
Như vậy, trong thời gian tới các địa phương sẽ tăng tốc vào cuộc, nhiều dự án sẽ được khởi công, do đó nhu cầu vốn vay cho phát triển nhà ở xã hội sẽ tăng cao.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đề nghị, ngoài 4 ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng cho các ngân hàng thương mại cổ phẩn khác được tham gia vào gói 120.000 tỷ. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ, nhất là các điều kiện tín dụng cho các chủ đầu tư bất động sản để thúc đẩy giải ngân gói 120.000 tỷ.
VI ANH