Trái ngược cùng kỳ, công ty đã khắc phục được tình trạng giá vốn cao hơn doanh thu, qua đó báo lãi gộp hơn 95 tỷ đồng, tương đương biên lãi gộp 3,1%. Chi phí tài chính, chủ yếu là lãi vay, cũng được tiết giảm 15%.
Tuy nhiên, các loại chi phí như bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong quý đều tăng. Do đó, sau khi khấu trừ thuế và các loại chi phí, Tisco vẫn báo lỗ gần 100 triệu đồng. Đáng chú ý, nhà sản xuất gang thép này trước đó đã trải qua chuỗi 5 quý thua lỗ liên tiếp từ quý III/2022 đến quý III/2023 và mới chỉ có lãi trở lại trong 2 quý gần nhất (quý IV/2023 và quý I/2024).
Dù vậy, con số này cũng đã cải thiện đáng kể so với khoản lỗ gần 117 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Tisco đạt 5.253 tỷ đồng, tăng 20%. Nhờ kết quả lợi nhuận dương trong quý I, nhà sản xuất gang thép này báo lãi sau thuế nửa năm gần 6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 lỗ gần 136 tỷ đồng.
Năm 2024, Tisco đặt mục tiêu tổng doanh thu gần 13.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 15 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm sản xuất kinh doanh, công ty đã hoàn thành 40% kế hoạch doanh thu và 55% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tại ngày 30/6, tổng tài sản của Tisco tăng 3% so với đầu năm, đạt trên 10.560 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang đạt 6.750 tỷ đồng, chiếm 64% cơ cấu tài sản. Theo thuyết minh, khoản chi phí này chủ yếu thuộc về dự án cải tạo Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.
Tổng chi phí theo dự toán ban đầu là 3.843 tỷ đồng và theo dự toán điều chỉnh đã được phê duyệt là 8.104 tỷ đồng.
Hiện tại, dự án đã kéo dài hơn dự kiến ban đầu. Ban lãnh đạo công ty cùng Tổng công ty Thép Việt Nam vẫn đang đàm phán với các nhà thầu và phối hợp với các cơ quan Nhà nước có liên quan để tháo gỡ các khó khăn cho dự án.
Về kế hoạch năm nay, HĐQT Tisco đánh giá tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó dự báo, đặc biệt là xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và có xu hướng ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, giá cả nguyên vật liệu phục vụ sản xuất với mức độ khó lường.
Công ty cũng khẳng định sẽ đẩy mạnh xử lý các dự án đang xây dựng dở dang và dự án khai thác khoáng sản.
Được biết, Tổng công ty Thép Việt Nam mới đây đã trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Chính phủ phương án giải quyết cuối cùng với dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên.
THỊNH HUY