Trần Dương

Võ Trường Thành: từ “vua gỗ” trở thành người “mất tích” trên thương trường sau 25 năm gắn bó

Admin

Sinh năm 1958 tại Bình Định, xuất thân là giáo viên dạy toán nhưng như một cơ duyên đã khiến ông đến với ngành gỗ và biến Gỗ Trường Thành (TTF) trở thành công ty gỗ lớn nhất Việt Nam, biệt danh vua gỗ của ông cũng có từ đó. Tuy nhiên, ngày 29 tháng 6 năm 2018 với quyết định số 09 từ cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an về tội: “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.” “vua gỗ” chính thức “mất tích” trên thương trường.

Vinh quang

Võ Trường Thành sinh năm 1958 tại Bình Định. Ông từng là giáo viên dạy toán nhưng tình thế thay đổi, cuộc sống trở nên khó khăn buộc ông phải vào Sài Gòn sinh sống rồi tham gia Thanh niên xung phong. Ở độ tuổi trẻ nhất, ông đã trở thành Giám đốc của lực lượng này. Nhưng không lâu sau đó, vì sự cố cá nhân, ông rời Thanh niên xung phong và bắt đầu khởi nghiệp.

Bằng số vốn ít ỏi trong tay nhưng may mắn gặp thời, ông mua được một công ty nhà nước thua lỗ với giá rất rẻ và phát triển nó thành doanh nghiệp ngành gỗ, lấy tên Gỗ Trường Thành.

Với những sai lầm trong quản trị, Vua gỗ Võ Trường Thành đã mất tích trên thưuơng trường sau 25 năm gắn bó.

Năm 2000, “Vua gỗ” ghi dấu ấn khi khi mua lại nhà máy VINAPRIMART một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tiên của tỉnh Bình Dương, chuyên sản xuất đũa gỗ, để chuyển thành nhà máy chế biến ván sàn và đồ gia dụng nội, ngoại thất bằng gỗ cho thị trường xuất khẩu.

Kinh doanh liên tục tăng trưởng giúp tên tuổi Gỗ Trường Thành được nhiều nhà đầu tư quan tâm, công ty đón cổ đông nước ngoài đầu tiên Quỹ Aureos Đông Nam Á (ASEAF) năm 2006. Sau đó là hàng loạt tên tuổi lớn tham gia như: VinaCapital, KITMC, Tong Yang…

Sự lớn mạnh của Gỗ Trường Thành càng giúp doanh nghiệp mở rộng nhanh chóng và đầu tư lớn.

Năm 2007, TTF thành lập các công ty trồng rừng tại Đăk Lăk và Phú Yên với chấp thuận chủ trương của địa phương lên đến 100.000 ha. Năm 2008, thành lập 1 nhà máy tại Phú Yên và 1 nhà máy hiện đại nhất Việt Nam tại Bình Dương. Năm 2010 tiếp tục đầu tư nhà máy thứ 8… TTF còn là một trong 30 doanh nghiệp đầu tiên được Chính phủ chọn vào Chương trình Thương hiệu Quốc gia.

Theo đó, chỉ 3 năm sau khi niêm yết, TTF đã có mức tăng trưởng doanh số kỷ lục, đạt gần 3.000 tỉ đồng doanh thu trong năm 2011, đưa TTF trở thành một trong những doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất Việt Nam. Tên tuổi của ông Thành và công ty của mình cũng trở nên nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh gỗ cũng như quen thuộc với nhà đầu tư và thị trường chứng khoán.

Biến cố

Hệ lụy của những khó khăn bắt đầu từ hoạt động sản xuất kinh doanh do việc đầu tư lớn ngay trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế.

Xuất phát từ hàng tồn kho lớn từ năm 2008, cộng với dư nợ vay cao trong bối cảnh lãi suất cho vay quá cao, các công ty trong Tập đoàn đã phải trả lãi rất lớn cho ngân hàng trong nhiều năm qua (trung bình 230 tỷ/năm).

Việc này gây áp lực lớn lên dòng tiền, chưa kể một số ngân hàng đã cắt giảm hạn mức trong năm 2012 và đầu năm 2013 càng làm cho nguồn vốn lưu động của công ty thêm khó khăn.

Việc trồng rừng với mục đích chủ động nguồn nguyên liệu để phát triển bền vững thì hóa ra lại góp phần đẩy doanh nghiệp này đến với bề vực sụp đổ khi mà nguồn vốn tài trợ cho dự án lại là vốn vay. Lạm phát phi mã đẩy lãi suất cho vay lên cao khiến TTF rơi vào tình cảnh khốn đốn.

Từ việc chuyển khoản vay từ dài hạn (cho việc trồng rừng) thành khoản vay ngắn hạn 145 tỷ đồng theo yêu cầu của các ngân hàng làm cho Công ty rơi vào giai đoạn khó khăn nhất về dòng tiền từ khi thành lập. TTF cùng lúc phải đối mặt với doanh số cũng sụt giảm mạnh, trong khi chi phí lãi vay lớn đã đưa doanh nghiệp vào tình thế nguy kịch, mất khả năng thanh toán.

Những nỗ lực tái cấu trúc tài chính dưới bàn tay của “vua gỗ” giúp TTF có sự hồi phục sau đó. Bằng những việc làm chưa có tiền lệ, ông Võ Trường Thành đã xoay chuyển được tình thế để đưa TTF trở lại mạnh mẽ.

Ông là người đầu tiên mua doanh nghiệp nước ngoài, ông lại là người đầu tiên phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá đồng thời cũng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên thuyết phục được DATC mua nợ. Kế đến là câu chuyện phát hành thành công khoản vay chuyển đổi 1.200 tỉ đồng cho công ty con của Vingroup (VIC) là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát.

Tuy nhiên, mọi thứ đổ bể vào năm 2016 khi TTF vướng vào bê bối hàng tồn kho bị kiểm kê thiếu hụt 980 tỷ đồng. Tiếp đó, công ty CP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (cổ đông lớn của Trường Thành) đột ngột thông báo tạm dừng chuyển đổi khoản nợ 1.202 tỉ đồng.

Theo kết quả kiểm kê, Ernst & Young đã phát hiện TTF thiếu tới 980 tỉ đồng hàng tồn kho so với báo cáo và khoản dự phòng phải thu khó đòi ngắn hạn của TTF đã được điều chỉnh lên mức 258 tỉ đồng (cập nhật tại thời điểm 30-06-2016). Kết quả sau khi kiểm toán đã khiến lỗ lũy kế của TTF đến cuối quý II là 1.082 tỉ đồng, bay mất 75% vốn điều lệ của công ty này.

Đoạn kết buồn

Ngày 12/8/2016, tập đoàn TTF quyết định bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Võ Trường Thành với lý do: ông Võ Trường Thành đã không hoàn thành đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT trong tình hình khó khăn khẩn cấp của công ty.

Đồng thời, HĐQT cũng quyết định chấm dứt tư cách thành viên HĐQT đối với bà Trần Hoài An từ ngày 13/8/2016 theo nguyện vọng cá nhân.

Miễn nhiệm Phó Tổng Giám đốc thường trực đối với ông Tạ Văn Nam từ ngày 12/8/2016 theo nguyện vọng cá nhân.

Miễn nhiệm ông Đinh Văn Hóa khỏi vị trí Phó tổng Giám đốc từ ngày 12/8/2016, đồng thời chấm dứt tư cách Thành viên HĐQT đối với ông Đinh Văn Hóa từ ngày 13/8/2016.

Hai năm sau ngày bị bãi nhiệm, trang thông tin của Bộ Công an đã công bố quyết định 09 ký ngày 29 tháng 06 năm 2018 về tội: “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.” đối với ông Võ Trường Thành.

Những nguyên nhân sâu xa từ việc sai lệch thông tin có phải xuất phát từ “vua gỗ” hay đến từ những nguyên nhân khác vẫn còn là “ẩn số”. Tuy nhiên, “vua gỗ” đã chính thức “mất tích” trên thương trường Việt Nam sau 25 năm sóng gió cùng với nó.

Đây là một đoạn kết buồn của một doanh nhân tâm huyết với ngành nhưng vô ý mắt phải những sai lầm trong quản trị như những lần anh tâm sự với chúng tôi như một lời từ biệt: “Ai cũng có sai lầm nhưng quan trọng là biết sửa sai”.