Trần Dương

Tuấn Thành Công: từ đại gia tỷ USD bí ẩn trong lĩnh vực ô tô, lợi nhuận lớn hơn cả Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương đến tham vọng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản và ngân hàng

Admin

Nhắc đến lĩnh vực kinh doanh ô tô tại Việt Nam hầu hết mọi người đều nhớ đến Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương. Tuy nhiên, có một doanh nghiệp bí ẩn, kín tiếng ít được nhắc đến có lợi nhuận mảng ô tô trong năm 2019 lên đến 4.600 tỷ đồng bỏ xa Thaco của Trần Bá Dương. Vậy doanh nghiệp này như thế nào và ông chủ kín tiếng đó là ai?

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) là “nhà cái” của các nhà sản xuất và kinh doanh ô tô có nhiều tên tuổi được nhắc đến như: Thaco, Toyota, Ford… Tuy nhiên, TC Motor (thuộc Tập đoàn Thành Công) không trực thuộc VAMA và ít được nhắc đến trên thị trường. Cho dù, doanh số họ lên đến hàng tỷ USD và đứng top 3 toàn thị trường.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Thành Công, một doanh nhân kín tiếng và khá bí ẩn trên thương trường.

Theo đó, năm 2019, lượng tiêu thụ của TC Motor đạt gần 79.600 xe, tăng 16.000 xe so với năm 2018, và tương đương 26% lượng tiêu thụ của toàn VAMA. Sản lượng của TC Motor xếp sau Thaco với 91.700 xe và đứng trên cả Toyota với 79.300 xe. Nếu chỉ tính riêng xe du lịch (PC) thì TC Motor đạt gần 70.000 xe, cao hơn con số 66.400 xe của Thaco.

Bí quyết thành công của họ đến từ việc bác các mẫu xe nhỏ gọn như như Hyundai Grand i10 hay Accent. Ở phân khúc cao, Hyundai Tucson và Santafe phiên bản mới cũng nằm trong top xe bán chạy.

Đại gia “Tuấn Thành Công” với “hệ sinh thái” tỷ USD mang đậm tính gia đình

Mặc dù đã vươn lên trở thành một "thế lực" đáng kể trong ngành ô tô Việt Nam từ nhiều năm nay nhưng TC Motor (Hyundai Thành Công) và công ty mẹ Thành Công Group vẫn khá bí ẩn so với các tập đoàn khác.

Khởi nghiệp với lĩnh vực ô tô, với Công ty TNHH Cơ khí Thành Công được thành lập năm 1999. Năm 2004, doanh nghiệp này xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô tại Đông Anh (Hà Nội) với thương hiệu xe tải Thành Công, và không lâu sau đó trở thành đại lý chính thức của xe tải DongFeng tại Việt Nam.

Năm 2007, hệ thống đại lý của Thành Công trải dài trên khắp cả nước với 30 đại lý. Đây là tốc độ tăng trưởng hiếm có của ngành công nghiệp ô tô Việt vào thời điểm đó.

Bước ngoặt lớn diễn ra vào năm 2008 khi Thành Công trở thành đối tác chính thức của thương hiệu xe tải nặng Hyundai. Năm 2009, Thành Công là nhà phân phối duy nhất của xe du lịch Hyundai ở Việt Nam. Liên doanh Hyundai Thành Công đưa nhà máy sản xuất và lắp ráp ở Ninh Bình đi vào hoạt động năm 2011. Từ đó, TC Motor trở thành đối trọng của Thaco Mazda cũng như Toyota ở thị trường trong nước.

Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn (bên phải) trong lễ ký kết hợp tác chiến lược với tập đoàn Hyundai.

Thành Công Group hiện có hàng chục thành viên hoạt động đa ngành nghề với "hạt nhân" là CTCP Tập đoàn Thành Công được thành lập năm 2008. Tới tháng 3/2019, Thành Công Group có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng.

Theo đó, người nhà Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn nắm cổ phần chi phối gồm: ông Tuấn (45,75%), vợ ông Tuấn là bà Lê Hồng Anh (24,25%), em trai Nguyễn Toàn Thắng giữ 10%, em trai Nguyễn Thành Công có 2,13% và Tổng giám đốc Lê Ngọc Đức sở hữu 5%.

Không chỉ góp vốn, mỗi thành viên trong gia đình doanh nhân sinh năm 1974 đều đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái Thành Công Group và phân chia khá rõ các mảng kinh doanh.

Theo đó, anh trai ông Tuấn là ông Nguyễn Quốc Hoàn điều hành của gần chục công ty phân phối ô tô với thương hiệu Thành An tại các tỉnh, thành.

Ngoài ra, ông Nguyễn Toàn Thắng, em trai ông Tuấn đảm trách Công ty TNHH Phát triển Xây dựng và Thương mại (DCC) - đối tác phân phối độc quyền máy công trình của Doosan Infracore và Ammann (Thụy Sĩ).

Còn bà Lê Hồng Anh, vợ ông Tuấn phụ trách lĩnh vực bất động sản. Trong khi ông Lê Ngọc Đức đứng tên điều hành 2 đơn vị quan trọng nhất là CTCP Hyundai Thành Công Thương mại và CTCP Sản xuất Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam (đều có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng).

Trên thực tế, tên gọi Hyundai Thành Công đã quen thuộc trên thị trường hơn 10 năm nay thì thương hiệu TC Motor mới chỉ được ra mắt vào giữa năm 2019.

TC Motor có quy mô ngang ngửa Toyota và Thaco, doanh thu lên đến tỷ USD và lợi nhuận bỏ xa Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương

Năm 2019, CTCP Hyundai Thành Công Việt Nam, đơn vị nòng cốt trong hoạt động kinh doanh ô tô của TC Motor, đạt doanh thu gần 43.200 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2018. Cũng trong năm 2019, mảng ô tô của Thaco đạt 52.600 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ bán xe đạt 46.300 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý là trong khi lợi nhuận trước thuế mảng ô tô năm 2019 của Thaco giảm sâu từ 6.300 tỷ xuống còn 3.700 tỷ thì lợi nhuận của Hyundai Thành Công lại tăng vọt từ 669 tỷ lên 4.600 tỷ đồng.

Tuy vậy, Hyundai Thành Công chỉ là 1 pháp nhân trong hệ sinh thái kinh doanh ô tô của TC Motor nên có thể chưa phản ánh đầy đủ doanh thu/chi phí của cả tổ hợp. 

Bên cạnh Hyundai Thành Công, Thành Công Group còn có 2 công ty thành viên quan trọng khác là CTCP Sản xuất Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam (HTMV) và CTCP Hyundai Thành Công Thương mại (HTCV). Đây là 2 liên doanh sản xuất ô tô do tập đoàn Hyundai trực tiếp nắm giữ 50% vốn. Năm 2019, HTMV ghi nhận 25.000 tỷ đồng doanh thu và 1.159 tỷ đồng lợi nhuận.

Năm 2019, UBND tỉnh Ninh Bình đồng ý chủ trương với 3 dự án do Tập đoàn Thành Công đề xuất.

Theo đó, dự án Điều chỉnh nâng công suất Nhà máy xe du lịch từ 40.000 xe/năm lên 80.000 xe/năm; dự án Điều chỉnh thiết kế, tăng diện tích đất sử dụng Trung tâm Dịch vụ và Hạ tầng ô tô Thành Công từ 4ha lên 35ha; dự án Đầu tư Nhà máy xe du lịch công suất 100.000 xe/năm tại Khu 50ha mở rộng.

Khi các dự án này hoàn thành, công suất của Thành Công sẽ lên tới 180.000 xe du lịch/năm, gấp 4 lần mức hiện nay.

Thành Công Group và kế hoạch tham chiến trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng

Giống như nhiều tập đoàn lớn khác sau khi gặt hái được thành công với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình, Thành Công Group đang có những động thái mở rộng sang lĩnh vực bất động sản – thương mại dịch vụ.

Mảng bất động sản của Thành Công Group quy tụ một số thành viên như: Thành Công E&C, CTCP Thương mại Du lịch Cổ Loa, CTCP Xây dựng Thành Công 3…

Trên thực tế, từ năm 2012 Tập đoàn Thành Công đã tham gia vào lĩnh vực bất động sản.

Theo đó, CTCP Thành Công E&C (hiện có vốn 400 tỷ đồng), với một trong những dự án đầu tay là Shilla Stay Resort quy mô 5,4ha bên bờ biển Điện ngọc, Điện bàn, Quảng Nam.

Hiện nay, Thành Công sở hữu danh mục dự án với một số cái tên đáng chú ý như Khu căn hộ 345 Đội Cấn, Khu du lịch sinh thái Cầu Đôi (11,4ha), dự án nâng cấp Khách sạn Thủy Tạ gần 10.000 m2 thành tổ hợp Khách sạn 5 sao và khu biệt thự kinh doanh tại Hà Nội, hay dự án Căn hộ - văn phòng - khách sạn tại 245 Hoàng Văn Thụ (TP.HCM).

Dự án có quy mô lớn của Tập đoàn Thành Công thể hiện tham vọng lấn sân trong lĩnh vực bất động sản.

Tuy nhiên, các dự án trên chỉ có quy mô trung bình chưa xứng tầm với đại gia Tuấn Thành Công.

Do vậy, vào tháng 2 năm 2018, Thành Công thông qua công ty con là Công ty TNHH TCG Land đã mua 75% cổ phần trong CTCP Đầu tư PV-Inconess. Mua lại phần vốn chi phối trong doanh nghiệp mang "họ" dầu khí - Sông Đà.

Theo đó, Thành Công sở hữu luôn hai dự án rất lớn ở Ninh Bình là tổ hợp Du lịch - sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng diện tích 670ha và dự án Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái quy mô 2.185ha. Tổng mức đầu tư dự kiến của hai dự án này lên tới 472 triệu USD.

Bên cạnh đó, Thành Công đẩy mạnh các hoạt động M&A để mở rộng quỹ đất.

Đầu tháng 7 năm 2019, CTCP Phúc Thịnh - một thành viên hoạt động trong lĩnh vực xây lắp đã được tăng vốn từ 10 tỷ lên 300 tỷ đồng.

Trước đó hơn 1 tháng, Thành Công Group thành lập Công ty TNHH Quản lý và Dịch vụ Tài sản Thành Công hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, do bà Lê Hồng Anh làm Chủ tịch.

Bên cạnh đó, phu nhân của ông Nguyễn Anh Tuấn hiện nay cũng phụ trách một doanh nghiệp địa ốc khác có tên là Công ty TNHH CDA có vốn 200 tỷ đồng.

Ngoài lĩnh vực bất động sản, nhóm đầu tư Thành Công bắt đầu lấn sân vao mảng ngân hàng khi gom cổ phiếu của ngân hàng Eximbank từ năm 2019.

Ngày 4/12/2020, Chứng khoán HVS Việt Nam đã nhận được quyết định của UBCKNN về việc chấp thuận giao dịch chuyển nhượng cổ phần về cho nhóm Thành Công Group.

Theo thông tin chúng tôi có được, nhóm nhà đầu tư Thành Công Group đã sở hữu tới 12,97% cổ phần Eximbank, gồm CTCP Tập đoàn Thành Công có 60,54 triệu cổ phần (4,90%), Hợp tác xã cổ phần Thành Công nắm 44,72 triệu cổ phần EIB (3,62%) và ông Nguyễn Tiến Dũng ủy quyền 54,97 triệu cổ phần (4,45%).

Tỷ lệ sở hữu chính thức của nhóm Thành Công Group, theo nguồn tin chúng tôi có đã lên tới 17,5%, là một trong những nhóm lớn nhất tại Eximbank hiện nay.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chưa có thông tin chính thức nào được công bố và đại diện liên quan đến Thành Công cũng chưa xuất hiện trong ban lãnh đạo của Eximbank.

Để cụ thể hóa cho tham vọng lấn sân sang lĩnh vực ngân hàng, mới đây Thành Công Group đã quyết định mua lại Công ty Chứng khóan Hùng Vương (HVS).

Theo đó, ngày 4/12/2020, Chứng khoán HVS Việt Nam đã nhận được quyết định của UBCKNN về việc chấp thuận giao dịch chuyển nhượng cổ phần chiếm 100% vốn điều lệ của HVS.

Trong đó, bà Lê Hồng Anh, ông Nguyễn Toàn Thắng và ông Nguyễn Đình Đại nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn của HVS từ nhóm các cổ đông cá nhân hiện hữu là ông Đường Văn Tài, ông Hoàng Nguyễn Thanh Hùng và ông Phạm Ngọc Chiến.

Cụ thể, bà Lê Hồng Anh sẽ nhận chuyển nhượng 2,45 triệu cổ phần, tương đương 49% vốn của HVS. Còn ông Nguyễn Toàn Thắng sẽ nhận chuyển nhượng 1,44 triệu cổ phần, tương đương 28,72% vốn điều lệ của HVS.

Như vậy, xem ra những bước đi của ông chủ kín tiếng Thành Công Group cho kế hoạch lấn sân sang bất động sản và ngân hàng là những toan tính mang đầy tính chiến lược.

Lê Tân