Trần Dương

CEO King Coffee và mục tiêu giúp 100.000 phụ nữ khởi nghiệp

Admin

Giải thưởng Most Admired CEO được bắt nguồn từ việc bà Thảo khởi động dự án giúp 100.000 phụ nữ khởi nghiệp Women Can Do.

oanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo (thứ hai từ trái qua) trong một sự kiện liên quan đến dự án Women Can Do tổ chức tại Lâm Đồng vào cuối năm 2020

Bỏ qua những chuyện buồn của năm cũ, vượt qua một năm khó khăn chung trên toàn cầu vì dịch Covid-19, vừa bước vào năm 2021, doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo - CEO King Coffee đã được trao giải thưởng Doanh nhân truyền cảm hứng toàn cầu (Most Admired CEO) năm 2020, từ Tạp chí Global Brands Magazine. Bà Thảo có cuộc trò chuyện cùng PV Báo Giao thông về niềm đam mê cà phê và lý do muốn truyền cảm hứng cho phụ nữ, nhất là những người muốn khởi nghiệp.

Muốn mang “cần câu” mưu sinh cho phái yếu

- Phóng viên: Giải thưởng Most Admired CEO được bắt nguồn từ việc bà khởi động dự án giúp 100.000 phụ nữ khởi nghiệp “Women Can Do”. Lý do nào khiến bà dồn tâm huyết cho dự án này?

+ Bà Lê Hoàng Diệp Thảo - CEO King Coffee: Đã là hơn 25 năm tôi đặt cả niềm đam mê của mình vào những hạt cà phê. Đối với tôi, cà phê không chỉ đem lại giá trị kinh tế cho đất nước mà còn là phương tiện giúp tôi hoàn thành sứ mệnh của mình.

Là phụ nữ, tôi có quãng thời gian dài quan sát, chia sẻ và lắng nghe đủ để hiểu rằng họ thiếu gì và cần gì. Từ đó, tôi đặt quyết định khởi động dự án “Women Can Do” với mong muốn mang đến “cần câu” mưu sinh cho “phái yếu”.

Dự án này sẽ hỗ trợ 100 ngàn phụ nữ Việt Nam khởi nghiệp với hai mô hình kinh doanh chính, đó là mô hình đối tác phân phối (Đại lý WE) và mô hình nhượng quyền quán cà phê nhỏ (WEHome Café), với sự phối hợp của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Tôi tin rằng, bằng cách tận dụng thành tựu công nghệ 4.0, dự án sẽ tạo cơ hội cho các chị em chủ động kinh doanh, gia tăng thu nhập, có thêm kiến thức về quản lý tài chính, tham gia các hoạt động cộng đồng, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

- Bà đã, đang và sẽ làm gì để truyền cảm hứng cho phụ nữ khởi nghiệp?

+ Bằng câu chuyện hai lần khởi nghiệp của chính tôi, bắt đầu từ Trung Nguyên, tới G7 và hiện tại là King Coffee, bắt đầu từ con số 0 để đi lên vị trí số 1 như hiện nay.

Tôi tin rằng, dự án “Women Can Do” không chỉ là một chương trình kinh doanh đơn thuần mà là một cộng đồng lớn. Nơi đây, có hơn 18 triệu chị em trong Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được chào đón, là nơi mọi người có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, kinh nghiệm bán hàng.

- Một phụ nữ nào đó muốn khởi nghiệp, muốn tham gia dự án sẽ bắt đầu từ đâu, sẽ phải làm những gì?

+ Các chị em với số vốn chỉ 5 triệu đồng đã có thể trở thành đại lý WE và với 33,5 triệu đồng để sở hữu mô hình kinh doanh quán cà phê nhỏ WEHome Café. Tham gia vào dự án, chị em sẽ được hỗ trợ hoàn toàn về mặt nhân sự, sản phẩm, thiết kế cửa hàng, làm thương hiệu cũng như được hỗ trợ và tư vấn về mọi mặt trong suốt quá trình kinh doanh.

Bên cạnh đó, bằng cách tận dụng tốt thành tựu công nghệ sẽ giúp bạn kết nối với những nhà sản xuất lớn, được đặt hàng ngay lập tức, được hỗ trợ về hệ thống quản lý bán hàng CRM, được hỗ trợ freeship vận chuyển, được hỗ trợ máy POS thanh toán…

Đây đều là những quyền lợi cơ bản nhưng lại vô cùng thiết thực, hiệu quả để giúp chúng ta khởi nghiệp dù ở quy mô nhỏ. Việc áp dụng công nghệ giúp chị em khởi nghiệp là lời hứa mà chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ hết sức để giúp chị em ở bất cứ đâu cũng có khởi đầu thuận lợi.

Niềm tin vào chất lượng cà phê Việt

- Khẩu vị uống cà phê của mỗi nước khác nhau, bà làm thế nào để chinh phục được thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Canada, Pháp, Hà Lan, Singapore, Thái Lan... với thương hiệu King Coffee?

+ Think global, act local (Tư duy toàn cầu, hành động địa phương) - Đó là tôn chỉ mà tôi và đội ngũ của mình luôn tuân theo khi chuẩn bị tiếp cận bất cứ thị trường nào. Với mỗi thị trường, chúng tôi có những cách tiếp cận riêng để tinh chỉnh hương vị, lựa chọn sản phẩm cà phê phù hợp với thị trường đó.

Doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo là người đồng sáng lập thương hiệu Cà phê Trung Nguyên, đưa thương hiệu này từ số 0 trở thành thương hiệu cà phê số 1 Việt Nam, gây dựng thương hiệu G7 và đến giờ là King Coffee.

Tranh chấp li hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ suốt 5 năm qua cũng là lúc thương hiệu King Coffee ra đời. Năm 2017, nhà máy King Coffee được khánh thành ở Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Bình Dương. Nhà máy có diện tích 51.300m2, công suất 145.000 tấn/năm. Năm 2020, lợi nhuận mà thương hiệu này đem lại lên tới trên 1.500 tỷ đồng. Hiện, thương hiệu đã có mặt ở hơn 60 quốc gia.

Ví dụ là Trung Quốc, thị trường này vốn ưa chuộng trà thay cho cà phê nhưng lại rất phát triển về thương mại điện tử ở nhóm khách hàng trẻ. Chúng tôi chọn tiếp cận bằng cách đưa thương hiệu cà phê hòa tan 3 in 1 lên các trang thương mại điện tử trong hệ thống Alibaba trước. Đi sau đó là các dòng sản phẩm về trà để đóng thành các combo hỗ trợ bán.

Ở Ý hoặc các nước châu Âu với gu cà phê chuộng Espresso hoặc Americano, chúng tôi cũng có những dòng sản phẩm đặc thù. Điều thú vị là chúng tôi không chỉ làm cà phê Espresso hoặc Americano theo hương Ý, mà chúng tôi thêm các hương vị châu Á vào đó để tạo sự đặc biệt cho sản phẩm King. Điều đó giúp chúng tôi tạo dựng vị thế riêng cho mình.

Ở mỗi thị trường, chúng tôi đều làm việc rất kỹ với các đối tác mua hàng, các chuyên gia riêng để sản xuất sản phẩm, dùng thử, để thị trường đánh giá một cách khách quan, sau đó mới tiến hành sản xuất số lượng lớn mà vẫn đảm bảo các chỉ tiêu về chất lượng cao nhất trong sản xuất. Đó là lý do chúng tôi tuy phát triển rất nhanh, nhưng vững chắc ở những thị trường mới.

- Từng có nhiều kinh nghiệm tham gia hàng loạt diễn đàn, hội thảo, hội chợ ngành cà phê trên thế giới, theo bà, đâu là những khó khăn để khẳng định thương hiệu Việt tại nước ngoài?

+ Cái khó lớn nhất mà chúng ta phải mất rất nhiều thời gian để giải là bài toán thương hiệu quốc gia. Hầu như các khách hàng đều biết đến cà phê robusta của Việt Nam, cà phê nhân mua từ Việt Nam. Nhưng thương hiệu cà phê quốc gia thì chưa có. Trong khi chúng ta có rất nhiều điều kiện để làm.

Đó cũng là động lực để sau một hội nghị cà phê ở Đức, tôi mới suy nghĩ và lựa chọn đề xuất là cà phê hòa tan vì giá trị thị trường rất lớn và xây dựng nên một thương hiệu cà phê của riêng Việt Nam. Thời điểm đó, tôi bàn với chồng là anh Đặng Lê Nguyên Vũ và chúng tôi quyết làm. Tôi chọn hòa tan, anh Vũ chọn tên G7.

Để xây dựng cái tên G7, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với mỗi cái khó, lại tìm cách giải quyết. Từ sản xuất, giấy tờ, kho vận, tài chính… từng bước, từng bước chúng tôi cũng tìm ra cách.

Quan trọng nhất là giữ được sự ổn định về chất lượng sản phẩm, uy tín và tìm một cách nào đó để xây dựng thương hiệu vững chắc ở thị trường nội địa trước khi chinh phục thị trường nước ngoài.

Tôi biết nhiệm vụ này đòi hỏi một chiến dịch tiếp thị quyết liệt để cạnh tranh với một trong những thương hiệu cà phê hòa tan lớn nhất thị trường Việt Nam với gần 60% thị phần tại thời điểm đó.

Năm 2003, tôi đã chỉ huy một kế hoạch tiếp thị đặc biệt là mời 20.000 người uống thử G7 tại TPHCM. Kết quả tuyệt vời, 89% chọn G7 thay vì thương hiệu kia.

Sự thành công trong kế hoạch tiếp thị chứng minh rằng sản phẩm Việt hoàn toàn có thể cạnh tranh với sản phẩm quốc tế, tạo cho chúng tôi thế và lực để cất cánh bay nhanh và cao hơn trong những năm sau đó.

Bây giờ, với thương hiệu mới của mình là King Coffee, tôi vẫn nhấn mạnh vào chất lượng và hương vị cà phê độc đáo của Việt Nam, dựa trên những tiêu chuẩn quốc tế cao cấp. Tôi tin thời điểm này cũng vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được những thương hiệu chất lượng để chinh phục người dùng toàn thế giới.

- Cảm ơn bà!

Vào giữa tháng 6/2020, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Công ty Trung Nguyên Intenational (King Coffee) tổ chức chương trình khởi động dự án Women can do. Đây là dự án chiến lược, sẽ đồng hành và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trong khuôn khổ Đề án quốc gia 939 Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương ngày 30/6/2017.

Thông qua dự án này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và thương hiệu King Coffee mong muốn cải thiện chất lượng cuộc sống cho ít nhất 100 ngàn phụ nữ ở khắp các vùng miền, giúp các chị em có cơ hội khởi nghiệp bằng nhiều mô hình kinh doanh, bắt đầu từ số vốn 5 triệu đồng.

Bà Đỗ Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khẳng định, việc triển khai dự án góp phần quan trọng để xây dựng và thực hiện hiệu quả Đề án quốc gia 939, nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Tính từ tháng 9/2020 đến nay, dự án này đã được triển khai tại 12 tỉnh, thành. Bước đầu đã có hàng ngàn phụ nữ khởi nghiệp với mô hình này. Mục tiêu cuối năm 2021 sẽ đạt con số là 30.000 phụ nữ tham gia dự án.

YÊN TRANG thực hiện