Đặt cược rất lớn vào TTF, mục tiêu có thể thấp nhất 1 tỷ USD
Công ty cổ phần Gỗ Trường Thành (TTF) từng được biết đến là một doanh nghiệp gỗ đầu ngành tại Việt Nam. Tuy nhiên, TTF đã bị đổ vỡ và gần như phá sản sau khi đơn vị kiểm toán Ernst & Young từ chối đưa ra kết luận về báo cáo kết quả kinh doanh và lưu chuyển tiền tệ của công ty do không thể xác định chính xác doanh số bán hàng và giá trị hàng tồn kho bị "bốc hơi" gần 1.000 tỷ đồng sau kiểm kê.
Sau đó, nhóm cổ đông do ông Mai Hữu Tín vào và vực lại Gỗ Trường Thành. Hồi giữa 2019, ông Mai Hữu Tín lên nắm giữ chức vụ chủ tịch HĐQT của Gỗ Trường Thành.
Mới đây Gỗ Trường Thành vừa nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp tại dự án Natuzzi Singapore PTE.LTD dưới hình thức mua cổ phần (20%) với tổng số tiền gần 5,4 triệu USD.
Trước đó, Hội đồng quản trị Gỗ Trường Thành đã thông qua ý kiến đầu tư gần 5,4 triệu USD (tương đương 124 tỷ đồng) để nắm 20% vốn điều lệ Công ty Natuzzi Singapore PTE. Ltd có trụ sở đặt tại Marina Bay Financial Tower 1, Singapore. Được biết, Natuzzi là công ty nội thất lâu đời được thành lập từ năm 1959.
Gỗ Trường Thành nhắm tới việc mở rộng thị trường xuất khẩu sau một thời gian kéo dài 2 năm để tái cấu trúc, củng cố lại sau cú sốc hàng tồn năm 2016.
Gần đây, cổ phiếu TTF tăng mạnh và lên vùng đỉnh lịch sử 14.000-15.000 đồng/cp, gấp gần 3 lần so với cách đây 1 năm. Vốn hóa của Gỗ Trường Thành cũng tăng thêm khoảng hơn 3 nghìn tỷ đồng lên mức gần 5,5 nghìn tỷ đồng như hiện nay.
Sau nhiều năm khó khăn, cổ phiếu Gỗ Trường Thành đã vượt mốc 10.000 đồng/cp đúng với cam kết của Chủ tịch Mai Hữu Tín, từ mức 2.000-3.000 đồng/cp hồi năm 2019. Dù vậy, tình hình kinh doanh của Gỗ Trường Thành vẫn chưa khả quan. Tới cuối 2021, Gỗ Trường Thành vẫn lỗ lũy kế hơn 3 nghìn tỷ đồng. Dòng tiền vẫn âm.
Trước đó, ông Mai Hữu Tín cũng đã bỏ hơn 100 tỷ đồng vào để vực dậy Gỗ Trường Thành và kêu gọi cổ đông và các nhà đầu tư mua cổ phiếu Gỗ Trường Thành với giá phát hành 10.000 đồng/cp.
Hồi cuối 2021, ông Võ Quốc Lợi - thành viên HĐQT công ty đã mua thành công 1 triệu cổ phần TTF. Ông Võ Quốc Lợi (1988) là con trai của ông Võ Quốc Thắng (Bầu Thắng). Ông Thắng là chủ tịch Đồng Tâm Group và từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị KienLongBank.
Cũng trong 2021, TTF đã phát hành riêng lẻ 40,5 triệu cổ phiếu. Đây là cổ phiếu ưu đãi hoán đổi nợ liên quan đến Tập đoàn Vingroup, đại diện bởi ông Bùi Hồng Minh. Trước đó, Chủ tịch Mai Hữu Tín cho biết đã thuyết phục được phía Vingroup chuyển khoản nợ này thành cổ phần ưu đãi nhận cổ tức 6,5%/năm.
Trước đó, ông Mai Hữu Tín cho biết ông đặt cược rất lớn vào TTF với mục tiêu có thể thấp nhất 1 tỷ USD cho cuộc chơi này.
Cuối năm 2019, TTF đã khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy tủ bếp cùng nhà máy sản xuất nội thất gỗ cao cấp đặt trong khuôn viên trụ sở chính tại Bình Dương. Ngoài ra, một nhà máy ván ép cũng đang được triển khai tại tỉnh Bình Định.
Với định hướng chiến lược trở thành công ty nội thất số một tại Đông Nam Á trong 10 năm tới. Năm 2020 công ty tiếp tục đẩy mạnh phát triển khách hàng quốc tế và bán lẻ. Công ty cũng kỳ vọng bên cạnh xuất khẩu gỗ còn tìm cách chuyển mình sang nhà cung cấp nội thất tổng thể hàng đầu trong nước. Hiện đã có 70% sản lượng sản phẩm gỗ dành cho xuất khẩu tại các thị trường như Châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia,..Các chuỗi cửa hàng Walmart, Tesco…là hành khách chính của công ty.
Thu gom Gỗ Trường Thành: Cuộc chơi liều mạng của doanh nhân Mai Hữu Tín
Ông Mai Hữu Tín là một trong những doanh nhân nổi bật của tỉnh Bình Dương với vai trò Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư U&I (Unigroup), Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành và Phó Chủ tịch HĐQT KienlongBank.
Ông tốt nghiệp đại học ngoại ngữ TPHCM khoa tiếng Anh, khả năng ngoại ngữ xuất sắc đã mở ra những chân trời mới. Trở thành người phiên dịch cho những lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, ông từng được chọn phiên dịch cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đồng thời, ông Mai Hữu Tín là người Bình Dương đầu tiên đạt điểm TOEFL 650.
Ông Mai Hữu Tín từng là phiên dịch viên tiếng Anh cho Liên hiệp Công ty Xuất nhập khẩu Sông Bé. Từ công việc phiên dịch, ông Mai Hữu Tín tiếp tục làm cho một vài công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp lớn khác của Việt Nam.
Đến năm 1998, khi 29 tuổi, ông quyết định khởi nghiệp thành lập công ty TNHH U&I cùng với bà Đoàn Ngọc Tố Uyên. Đây cũng có thể coi là nền móng đầu tiên cho sự ra đời của CTCP Đầu tư U&I sau này.
Sau hơn 20 năm điều hành với cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, ông Mai Hữu Tín cùng các cộng sự đã đưa U&I trở thành tập đoàn đa ngành với hơn 30 công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như bất động sản, xây dựng, giao nhận vận tải, dịch vụ tài chính, bán lẻ, nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu...
Ngoài ra, ông Mai Hữu Tín còn nổi tiếng với những thương vụ M&A đình đám. Thương vụ M&A đầu tiên của ông Mai Hữu Tín chính là mua lại công ty sản xuất bồn nước Toàn Mỹ vào năm 2007, sau đó kết hợp với giám đốc Toàn Mỹ để làm công ty truyền thông Trí Việt. Cùng với những cộng sự của mình, ông Tín đã đưa Toàn Mỹ trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành tại khu vực miền Nam, sau đó bán lại Toàn Mỹ cho Tập đoàn Sơn Hà vào năm 2017. Mặc dù giá trị thương vụ M&A này không được tiết lộ, nhưng chắc chắn U&I đã thu được nhiều lợi nhuận từ vụ đầu tư này.
Một thương vụ M&A khác cũng đã làm cho tên tuổi của ông Mai Hữu Tín được nâng tầm, đó chính là thương vụ Giấy Sài Gòn vào năm 2013. Sau giai đoạn tăng trưởng vượt bậc, năm 2007, Giấy Sài Gòn rơi vào thời kỳ khó khăn do suy thoái kinh tế, các nhà đầu tư lần lượt rút vốn. Cùng với đó là chi phí lãi vay đến thời điểm đáo hạn, khi lãi suất ngân hàng lên đến 20%/năm. Năm 2013, ông Tín đã mua lại toàn bộ cổ phần với tỷ lệ sở hữu 42,3%.
Vì câu chuyện của Giấy Sài Gòn đơn giản chỉ là thiếu vốn nên sau khi cấp đủ vốn, Giấy Sài Gòn lại hoạt động bình thường. Đến năm 2015, Giấy Sài Gòn cơ bản đi vào hoạt động ổn định và có lợi nhuận sau một giai đoạn dài khó khăn. Năm 2018, Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản đã chi ra 91,2 triệu USD để mua 90% cổ phần của Giấy Sài Gòn. Với mức giá này, rõ ràng khoản đầu tư của ông Tín đã thu về một khoản lợi nhuận đáng kể.
Thương vụ M&A nổi nhất cũng như liều nhất của ông Tín và U&I có lẽ là thu gom Gỗ Trường Thành. Tại Gỗ Trường Thành, cú sốc hàng tồn kho và những nghi ngờ tạo doanh thu khống năm 2016 đã thách thức rất nhiều nhà đầu tư, trước khi nhóm ông Tín vào cuộc. Sau khi mua thành công 20% vốn điều lệ của TTF, ông Mai Hữu Tín chính thức trở thành Tổng Giám đốc của TTF từ tháng 4-2017. Từ đây ông cùng với U&I và sau này là Sứ Thiên Thanh bắt đầu hành trình vực dậy và xây dựng thương hiệu Gỗ Trường Thành trở thành công ty nội thất số một Đông Nam Á, dưới thương hiệu mới Total Furniture.
Ngoài những thành tích trên, ông đảm nhận nhiều chức vụ khác như: Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Khóa XII – XIII và Phó Chủ tịch Trung Ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Thành viên Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ), Chủ tịch Liên Đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới.