Trần Dương

Doanh nghiệp hết thời kiếm tiền từ cổ phiếu?

Báo cáo tài chính quí 1-2022 cho thấy dù vẫn còn những doanh nghiệp có lãi từ hoạt động đầu tư tài chính, nhưng mức lãi đã giảm rất mạnh so với cùng kỳ, trong khi danh mục cũng đang thu hẹp đáng kể.

Trong quí 1 năm nay, doanh thu tài chính của Tasco đạt hơn 126 tỉ đồng, tăng vọt 124 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, giúp lãi sau thuế đạt 88 tỉ đồng.

Quí 2 có thể chứng kiến không ít doanh nghiệp ghi nhận thiệt hại lớn từ hoạt động đầu tư tài chính, đặc biệt là với những doanh nghiệp đã tăng mạnh đầu tư và không thoát hàng kịp trong thời gian vừa qua.

Hết thời lướt sóng cổ phiếu

Trong quí 1 năm nay, doanh thu tài chính của Công ty cổ phần (CTCP) Tasco (HUT) đạt hơn 126 tỉ đồng, tăng vọt 124 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, giúp lãi sau thuế đạt 88 tỉ đồng. Trước đó, doanh thu tài chính trong quí 4 năm ngoái của HUT cũng tăng đột biến lên 218 tỉ đồng nhờ chuyển nhượng cổ phần, là yếu tố giúp HUT ngắt mạch thua lỗ sáu quí liên tiếp trước đó.

Hay như CTCP Sam Holdings (SAM) ghi nhận doanh thu tài chính quí 1 năm nay đạt 47,7 tỉ đồng, tăng 139% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là khoản thu đã giúp công ty thoát lỗ quí 1 năm nay. Các khoản đầu tư tài chính của công ty cuối quí 1 năm nay ghi nhận 1.983 tỉ đồng, tăng 5,6% so với đầu năm. Trong đó, công ty đang đầu tư ngắn hạn 276 tỉ đồng vào chứng khoán kinh doanh với 15 mã cổ phiếu từ các công ty Alphanam (ALP), Masan (MSN), Nhựa Đồng Nai (DNP), Hòa Phát (HPG), Kinh Bắc (KBC),…

Khoản mục chứng khoán kinh doanh của MHC hiện chiếm 38% tổng tài sản với giá gốc hơn 498 tỉ đồng. MHC từ lâu được biết đến là doanh nghiệp rất mạnh tay lướt sóng cổ phiếu.

 

 

Trên sàn chứng khoán hiện nay không ít doanh nghiệp như HUT hay SAM, hoạt động cốt lõi vẫn gặp nhiều khó khăn và lợi nhuận chỉ đến từ các hoạt động đầu tư cổ phiếu và thoái vốn. Bức tranh này càng đậm nét hơn trong hai năm qua, trong bối cảnh các hoạt động sản xuất kinh doanh chính bị trì trệ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán, sử dụng tiền nhàn rỗi để đi lướt sóng cổ phiếu và đạt được lợi nhuận không nhỏ, đóng góp lớn vào kết quả hoạt động kinh doanh.

Có thể kể đến những “tay chơi” nổi bật như CTCP Nhà Đà Nẵng (NDN), CTCP MHC (MHC), CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), CTCP Thủy sản Me Kong (AAM), CTCP Công viên nước Đầm Sen (DSN), CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT), CTCP Licogi 14 (L14), CTCP Thaiholding (HNX: THD)…, bên cạnh HUT và SAM như nói trên.

Tuy nhiên, xu hướng này có lẽ sẽ sớm kết thúc, đặc biệt khi nhìn vào xu hướng và những rủi ro của thị trường chứng khoán hiện nay. Tính từ đầu tháng 4 đến nay, thị trường chứng khoán đang trải qua đợt điều chỉnh có lẽ là lớn nhất trong hai năm qua, xóa sạch thành quả lợi nhuận của không ít nhà đầu tư trên thị trường, khi hàng loạt tài khoản bị call margin và bị công ty chứng khoán bán giải chấp liên tiếp với số lượng lớn.

Thực tế báo cáo tài chính quí 1 vừa qua cho thấy dù vẫn còn những doanh nghiệp có lãi từ hoạt động đầu tư tài chính, nhưng mức lãi đã giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi danh mục cũng đang thu hẹp đáng kể.

Đơn cử như NDN chứng kiến doanh thu hoạt động tài chính giảm gần 63%, chỉ còn đạt hơn 23 tỉ đồng, trong đó khoản lãi từ đầu tư chứng khoán là 14 tỉ đồng, giảm mạnh so với mức lãi hơn 42 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của doanh nghiệp này là Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) với giá trị gốc tại ngày 31-3 gần 199 tỉ đồng; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) hơn 97 tỉ đồng; CTCP Vinhomes (VHM) gần 79 tỉ đồng, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) hơn 42 tỉ đồng… Với đà lao dốc của cổ phiếu ngân hàng thời gian qua, danh mục của NDN sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Hay như MHC cũng ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh 68%, từ 126 tỉ đồng xuống còn gần 40 tỉ đồng, chủ yếu do giảm lãi từ các khoản đầu tư tài chính, chứng khoán. Đáng lưu ý là khoản mục chứng khoán kinh doanh của MHC hiện chiếm 38% tổng tài sản với giá gốc hơn 498 tỉ đồng, giảm gần 20% so với đầu năm. MHC từ lâu được biết đến là doanh nghiệp rời xa các mảng kinh doanh cốt lõi và rất mạnh tay lướt sóng cổ phiếu của các doanh nghiệp khác trên sàn.

Quí 2 sẽ lộ rõ

Thống kê báo cáo tài chính quí 1 năm nay của các doanh nghiệp cho thấy, có hơn 520 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó một số doanh nghiệp giảm rất mạnh như Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (UpCom: VGI) giảm gần 1.280 tỉ đồng, Tổng CTCP Phát điện 3 (UpCom: PGV) giảm 358 tỉ đồng, CTCP SBT giảm 346 tỉ đồng, CTCP Sữa Việt Nam (VNM) giảm 284 tỉ đồng, Tổng CTCP Cảng Hàng không Việt Nam (UpCom: ACV) giảm gần 239 tỉ đồng so cùng kỳ,…

Nền kinh tế đang trên đà hồi phục, các doanh nghiệp sẽ cần tiền để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng đầu tư trở lại, không phải là vào các tài sản tài chính như cổ phiếu…

 

 

 

Song song đó, danh mục đầu tư của các doanh nghiệp cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và đầu năm nay. Cụ thể tại khoản mục chứng khoán kinh doanh trên báo cáo tài chính quí 1 năm nay của CTCP Tập đoàn KSFinance (HNX: KSF) cho thấy giảm hơn 445 tỉ đồng so với đầu năm; Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (UpCom: TIN) giảm 439 tỉ đồng, CTCP In Sách giáo khoa Hòa Phát (HNX: HTP) giảm gần 296 tỉ đồng, CTCP Tập đoàn F.I.T (FIT) giảm gần 235 tỉ đồng, CTCP Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC) giảm gần 184 tỉ đồng, CTCP Đầu tư và Xây dựng Vina2 (HNX: VC2) giảm 125 tỉ đồng, Tổng CTCP IDICO (IDC) giảm 123 tỉ đồng, CTCP MHC giảm gần 122 tỉ đồng…

Ngược lại, cũng không ít doanh nghiệp tiếp tục mạnh tay đầu tư chứng khoán trong những tháng đầu năm nay hoặc danh mục đầu tư tăng nhờ đánh giá lại giá trị cổ phiếu theo thị trường. Có thể kể đến như CTCP Tập đoàn Gelex tăng danh mục đầu tư chứng khoán kinh doanh thêm 744 tỉ đồng, lên mức gần 7.798 tỉ đồng, Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long tăng hơn 700 tỉ đồng, CTCP Thiết bị điện Gelex (UpCom:GEE) tăng gần 402 tỉ đồng, CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX: LAS) tăng 310 tỉ đồng, CTCP PVI (HNX: PVI) tăng 296 tỉ đồng, Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PLX) tăng 218 tỉ đồng, L14 tăng 214 tỉ đồng, CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (UpCom:SIP) tăng 212 tỉ đồng…

Trước tình hình này, báo cáo tài chính quí 2 sắp tới có thể chứng kiến không ít doanh nghiệp ghi nhận thiệt hại lớn từ hoạt động đầu tư tài chính, đặc biệt là với những doanh nghiệp đã tăng mạnh đầu tư và không thoát hàng kịp trong thời gian vừa qua. Như trường hợp của MHC đã nói ở trên, dù danh mục có giảm so với đầu năm, nhưng trong quí 1 vừa qua, MHC cũng đã mạnh tay mua mới cổ phiếu POW của PV Power (26,4 tỉ đồng) và PXL của CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (43,8 tỉ đồng). Với diễn biến thị trường không thuận lợi gần đây, có thể dễ dàng nhận ra MHC đang lỗ nặng với hai khoản đầu tư này.

Thực tế báo cáo tài chính quí 1 cũng cho thấy các doanh nghiệp đang phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh khá lớn và con số này có lẽ sẽ tiếp tục tăng lên trong giai đoạn tới. Như CTCP Tập đoàn FLC (FLC) đang phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh hơn 143 tỉ đồng vào cuối quí 1, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) trích lập hơn 65 tỉ đồng, CTCP Đầu tư Phát triển Sài Gòn 3 Group (UpCom: SGI) trích lập hơn 46 tỉ đồng, PVI trích lập hơn 37 tỉ đồng…

Chính vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại, có lẽ các doanh nghiệp sẽ phải tìm cách giảm dần danh mục đầu tư trong thời gian tới. Điều quan trọng hơn cả là với nền kinh tế đang trên đà hồi phục, các doanh nghiệp sẽ cần tiền để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng đầu tư trở lại, không phải là vào các tài sản tài chính như cổ phiếu mà chính là vào các dự án sản xuất, nhà máy, cơ sở kinh doanh mới. Thực tế thời gian gần đây cũng chứng kiến một số doanh nghiệp tranh thủ bán cổ phiếu quỹ khi thị giá cổ phiếu còn cao, nhằm chuẩn bị nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh sắp tới.

Xu hướng này có thể tốt cho nền kinh tế, khi dòng tiền hướng trở lại các hoạt động sản xuất thực, nhưng dĩ nhiên sẽ khiến thị trường chứng khoán càng chịu thêm áp lực và giảm sâu hơn. Dù vậy, khi dòng tiền của các doanh nghiệp trong hai năm qua đã chuyển hướng sang hoạt động đầu tư lướt sóng cổ phiếu thì đến lúc nào đó cũng phải chuyển dịch trở lại với hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi là điều tất yếu.

Thống kê cũng cho thấy nếu như trong giai đoạn năm 2020-2021, những phiên giao dịch bùng nổ với giá trị giao dịch dao động từ 40.000-60.000 tỉ đồng là hết sức bình thường, thì giai đoạn từ đầu năm 2022 đến nay, giá trị giao dịch của thị trường chỉ từ 20.000-40.000 tỉ đồng. Điều này rõ ràng cho thấy dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã rút ra và không còn hoạt động sôi nổi như hai năm trước, trong đó có một phần không nhỏ là dòng vốn của chính các doanh nghiệp trên sàn.

Triêu Dương