Được biết, SIP được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (HOSE: GVR) thành lập vào năm 2007 với vốn điều lệ ban đầu 250 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh chính là đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp (KCN). Vốn điều lệ hiện tại đạt hơn 909 tỷ đồng.
Công ty hiện quản lý 4 KCN gồm KCN Đông Nam (Củ Chi, TPHCM), Khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ Phước Đông – Bời Lời (Tây Ninh), KCN Lộc An – Bình Sơn (Đồng Nai) và KCN Lê Minh Xuân 3 (Bình Chánh, TPHCM) với tổng diện tích hơn 5,000 ha.
KCN Phước Đông – Bời Lời được chia thành hai khu A và B. Trong đó, khu A có tổng diện tích hơn 1,014 ha, diện tích cho thuê còn lại là 43.3 ha với giá thuê 80 - 100 USD/m2/chu kỳ thuê. Còn khu B có tổng diện tích 1,175 ha, diện tích cho thuê còn lại 756.3 ha với giá thuê 80 - 100 USD/m2/chu kỳ thuê.
KCN Đông Nam có tổng diện tích gần 286.8 ha với tỷ lệ lấp đầy hiện tại là 88%, diện tích cho thuê còn lại 24.8 ha, giá thuê khoảng 260 USD/m2/chu kỳ thuê.
KCN Lê Minh Xuân 3 có tổng diện tích gần 231.3 ha với tỷ lệ lấp đầy hiện tại 32.03%, diện tích cho thuê còn lại 105.44ha, giá thuê khoảng 290 USD/m2/chu kỳ thuê.
Đặc biệt KCN Lộc An – Bình Sơn, có vị trí nằm gần sân bay Long Thành. Tổng diện tích KCN này là 497.77 ha, tỷ lệ lấp đầy hiện tại 63.6%, diện tích cho thuê còn lại 131.25 ha với giá cho thuê 210 - 230 USD/m2/chu kỳ thuê.
Với việc sở hữu KCN, ngoài cho thuê đất và nhà xưởng, Công ty còn kinh doanh nhiều mảng hoạt động khác như cung cấp điện, nước cho các doanh nghiệp trong KCN; cung cấp các dịch vụ tiện ích như thu gom rác thải, xử lý nước thải, cung cấp hơi bão hòa; các hoạt động khác như tư vấn xây dựng, thi công xây lắp, quản lý cảng và logistics.
Để chuẩn bị chuyển sàn lên HoSE, Chủ tịch HĐQT SIP ông Trần Mạnh Hùng chia sẻ một số điều công ty cần hoàn thiện:
Thứ nhất, do việc phát triển cơ sở hạ tầng nhanh chóng nên còn nhiều điểm chưa đạt, điển hình là tình trạng ổ gà ở một số đoạn đường trong KCN.
Thứ hai là tái cơ cấu lại công ty con – CTCP Bao bì Sài Gòn. Đây là công ty được SIP mua lại từ Tổng công ty thương mại Sài Gòn TNHH MTV (SATRA) để phục vụ nhu cầu trong KCN. Tuy nhiên, hệ thống của công ty này lại quá lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu đề ra. Mặt khác, SIP lại không chuyên về quản lý sản xuất cho nên SIP sẽ tái cơ cấu lại công ty con này trong thời gian tới.
Bên cạnh những điểm cần cải thiện, ông Hùng cũng chia sẻ thêm về kết quả tái cấu trúc tại một số đơn vị có liên quan.
Cụ thể, thời gian qua, SIP tái cấu trúc công ty liên kết - CTCP Xây dựng và Phát triển Thế hệ mới và cơ cấu lại công ty con – CTCP Đầu tư và Phát triển VRG Long Thành. Thế hệ mới là công ty chuyên cho thuê nhà xưởng, còn Công ty Long Thành chuyên quản lý KCN.
Ông Hùng cũng cho biết thêm sau khi tái cấu trúc, thế hệ mới có khách thuê trở lại. Còn với Long Thành, SIP sẽ không bỏ công ty con này nhưng sẽ chỉ giữ lại khoảng 4 nhà xưởng.
Tiếp theo là về việc sở hữu 100% CTCP Cảng và Dịch vụ Logistics VRG Thanh Phước – đơn vị quản lý hoạt động của cảng Thanh Phước. Chủ tịch SIP cho biết, ban đầu đây là công ty do SIP cùng Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) thành lập với tỷ lệ 51:49. Tuy nhiên, do vướng cơ chế về mô hình quản lý cũng như tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở một số ngành nghề nên Công ty đã mua lại 49% của CJ để hoàn toàn nắm giữ quyền điều hành. Mặt khác, việc mua lại này cũng giúp SIP tiết kiệm được 3,000 USD phải trả cho đối tác hàng tháng.
Về khoản vay ngắn hạn của cổ đông lớn - CTCP Đầu tư và Phát triển Đô Thị An Lộc, ông cho biết hiện SIP đã thu được toàn bộ cả vốn lẫn lãi khoản cho vay này.
Đối với định hướng sắp tới, ông Hùng cho biết Công ty sẽ tiếp tục các giá trị cốt lõi từ trước đến nay là xây dựng và phát triển các KCN. Hiện SIP đang có 700 ha đã có hợp đồng thuê đất từ Nhà nước, trong đó diện tích đất thương phẩm là 500 ha, đủ để kêu gọi nhà đầu tư cho 3 - 5 năm tới. Ngoài ra, KCN Phước Đông đang chuẩn bị đền bù thêm 560 ha, nâng quỹ đất sạch của Công ty trong thời gian tới lên hơn 1,200 ha.
AN NHIÊN