Triển khai rầm rộ, nhưng hạng mục chính vẫn nằm im
Tháng 11 vừa qua, CTCP Đầu tư Du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (Sài Gòn - Đại Ninh) đã đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Khu đô thị Nam Đà Lạt) từ 25.243 tỷ đồng (phê duyệt năm 2010) thành 30.291,6 tỷ đồng (tăng 20% - tương đương gần 5.049 tỷ đồng).
Lý do được đưa ra là chi phí tăng tại thời điểm đề nghị so với thời điểm năm 2010 dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo khả thi trong quá trình thực hiện.
Doanh nghiệp này cũng đề nghị điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án với quy mô sử dụng đất không thay đổi hơn 3.595 ha.
Liên quan đến đề xuất của nhà đầu tư, Sở Tài chính Lâm Đồng cho biết, hồi tháng 5/2021, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản về kết quả kiểm tra, xác minh nội dung kiến nghị của Sài Gòn Đại Ninh.
Theo Sở Tài chính, tính đến ngày 11/11, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã đầu tư vào dự án này 2.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án này từ là 25.243 tỷ đồng thành hơn 30.291 tỷ đồng; đồng thời đề nghị điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án với quy mô sử dụng đất không thay đổi là 3.595 ha.
Để chứng minh năng lực tài chính trong việc nâng tổng vốn đầu tư thêm, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã nộp cho cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng các giấy tờ: Giấy xác nhận số dư tiền gửi tại ngày 23.3 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín; thư cam kết cung cấp tín dụng ngày 23/3 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín chi nhánh trung tâm; bản cam kết góp vốn ngày 22/1 của ông Nguyễn Cao Trí - Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh.
Sở Tài chính nhận định bản cam kết góp vốn có người đại diện theo pháp luật của Công ty Sài Gòn Đại Ninh là ông Nguyễn Cao Trí, Tổng Giám đốc, cam kết tiếp tục góp vốn và hỗ trợ nguồn vốn cho công ty trong quá trình đầu tư, thực hiện dự án Sài Gòn - Đại Ninh với số tiền 543,74 tỷ đồng theo tiến độ triển khai dự án được UBND tỉnh chấp thuận.
Thư cam kết cấp tín dụng của ngân hàng sẽ tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp tín dụng thực hiện dự án nêu trên với tổng mức xem xét cấp tín dụng tối đa là 2.000 tỷ đồng có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày phát hành.
Qua thành phần hồ sơ này, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đảm bảo được 4.543 tỷ đồng trong 5.000 tỷ đồng để thực hiện việc điều chỉnh mức đầu tư. Số vốn đầu tư còn lại hơn 456 tỉ đồng, doanh nghiệp cam kết sẽ tiếp tục huy động vốn để thực hiện dự án từ các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư và các tổ chức, cá nhân khác.
Sở Tài chính kết luận Công ty Sài Gòn Đại Ninh đảm bảo về năng lực tài chính khi thực hiện đúng cam kết việc tiếp tục huy động vốn và sử dụng vốn đảm bảo cho dự án Sài Gòn - Đại Ninh.
Trước đó, Sở Xây dựng Lâm Đồng đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tỉnh này để tham gia ý kiến về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư tại dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh.
Theo văn bản của Sở KHĐT về việc điều chỉnh dự án nói trên, Sở Xây dựng cho biết, các nội dung đề xuất điều chỉnh dự án của chủ đầu tư không có nội dung liên quan đến lĩnh vực quy hoạch kiến trúc.
Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 30/12/2010 với tổng mức đầu tư là 25.243 tỷ đồng, tiến độ thực hiện đến năm 2018.
Còn việc đề đề xuất điều chỉnh tiến độ đầu tư đến năm 2026 để thực hiện dự án sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép theo Bộ Xây dựng là phù hợp với tình hình thực tế và quy mô đầu tư của dự án.
Sau một thời gian triển khai rầm rộ, hàng loạt các hạng mục chính vẫn chưa được xây dựng.
257 ha rừng trong dự án bị mất
Báo cáo của Sở Tài chính cho thấy diện tích rừng bị mất của dự án Khu đô thị Đại Ninh là 257 ha. Trong đó, 140 ha được Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn xác định trữ lượng tại văn bản ngày 5/1/2016. Sở Tài chính tính toán và có quyết định số 22/QĐ-STC ngày 2/3/2017 phê duyệt giá trị bồi thường tài nguyên rừng là hơn 6,6 tỷ đồng, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã nộp đủ.
Tại văn bản ngày 25/2/2011, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn xác định trữ lượng là 117 ha. Sở Tài chính đã phối hợp với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tính toán, xác định giá trị hơn 12,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty không thống nhất về diện tích, trữ lượng và có đơn kiến nghị. Ngày 3/6/2021, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thực hiện giải quyết theo thẩm quyền.
Sau đó, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã có văn bản ngày 16/6/2021 hướng dẫn, đề nghị Công ty Sài Gòn Đại Ninh liên hệ đơn vị tư vấn chuyên ngành để kiểm kê, đánh giá lại hiện trạng tài nguyên rừng gửi về Sở làm cơ sở đối chiếu, giải quyết. Đến ngày 26/8/2021, Sở này tiếp tục có văn bản đôn đốc công ty thực hiện, thế nhưng đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa cung cấp hồ sơ.
Do vậy, Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tiếp tục đôn đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh thực hiện. Sau ngày 15/10/2021, nếu công ty không cung cấp thì Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn có ý kiến bằng văn bản về số rừng rà soát để Sở Tài chính tính toán và thông báo số tiền bồi thường phải nộp.
Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh vào cuối năm 2010 với diện tích khoảng 3.595 ha. Trong đó, 1.306 ha đất quy hoạch lâm nghiệp thuộc các xã Phú Hội, Tà Hine, Ninh Loan và Ninh Gia, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 25.243 tỉ đồng.
Như vậy, vào tháng 2/2011, tức chỉ chưa đầy 1 năm sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tại dự án tỷ đô này, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã làm mất 117 ha rừng. Đến năm 2016, thêm 140 ha rừng cũng được cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng xác định bị mất.