Trần Dương

CTCP Sữa Hà Nội (HNM) nợ bảo hiểm xã hội lên đến 16 tỷ đồng cho dù công ty kinh doanh có lãi

Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội vừa công bố danh sách các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) trong tháng 5/2024. Trong đó, Sữa Hà Nội nợ bảo hiểm lên đến hơn 16.1 tỷ đồng.

hnm-cv-1719444295.jpg

Công ty CP Sữa Hà Nội (HanoiMilk - HNM) là một trong những doanh nghiệp top đầu với số tiền nợ bảo hiểm lên tới hơn 16,1 tỷ đồng.

Cụ thể, trong danh sách của Bảo hiểm xã hội Hà Nội, Công ty CP Sữa Hà Nội (HanoiMilk - HNM) là một trong những doanh nghiệp top đầu với số tiền nợ bảo hiểm lên tới hơn 16,1 tỷ đồng, tương đương 20 tháng chậm đóng.

Đáng chú ý, mặc dù nợ bảo hiểm, Công ty CP Sữa Hà Nội vẫn duy trì hoạt động kinh doanh có lãi. Báo cáo tài chính quý I/2024 cho thấy doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 132,8 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 22,5 tỷ đồng, và lãi ròng hơn 6 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2023, HNM cũng ghi nhận đạt doanh thu 704 tỷ đồng và lãi ròng 33,6 tỷ đồng.

Trong năm 2023, chế độ lương thưởng của lãnh đạo HNM được thực hiện khá cao. Bà Vũ Thị Hương Thủy, Tổng Giám đốc, nhận hơn 1,1 tỷ đồng tiền lương và phụ cấp. Ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT, nhận 480 triệu đồng tiền phụ cấp. Các thành viên HĐQT khác như ông Ngô Kim Sơn và ông Nguyễn Duy Lên lần lượt nhận 654 triệu và 530 triệu đồng tiền lương, phụ cấp.

Được biết, HNM có 275 nhân viên, với ông Hà Quang Tuấn nắm giữ 31,7% cổ phần. Cùng với 12,51% cổ phần của Công ty CP Hoàng Mai Xanh (do ông Tuấn làm Chủ tịch HĐQT), tỷ lệ chi phối của ông Tuấn tại HNM lên đến hơn 44%.

Theo thông tin chúng tôi có được, HNM được thành lập từ năm 2001 và chính thức hoạt động với dây chuyền sản xuất sữa công suất 40 triệu lít mỗi năm, công ty này cũng từng đứng trong hàng ngũ những 'ông lớn' của ngành sữa Việt Nam bên cạnh VinaMilk và Dutchlady. Với những sản phẩm sữa có dấu ấn riêng mang nhãn hiệu Izzi, Yotuti, sữa tươi HanoiMilk 100%, sữa chua HanoiMilk,… Nhưng sự cố 'melamine' năm 2008 cùng với những chiến lược đầu tư dàn trải thiếu hiệu quả gần như đã 'quét sạch' những thành quả trước đó.

Đã có giai đoạn tưởng chừng như Hanoimilk sẽ biến mất khỏi bản đồ ngành sữa nhưng nỗ lực vực dậy của công ty thực sự đáng ghi nhận. Những năm gần đây công ty liên tiếp có sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận.

THỊNH HUY