Cụ thể, bà Thảo đã đăng ký mua 4 triệu cổ phiếu PNJ nhằm tăng tỷ lệ sở hữu. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của bà Thảo tại PNJ dự kiến tăng từ 2,33% lên 3,51%, tương ứng với gần 11,9 triệu cổ phiếu.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PNJ hiện giao dịch quanh mức 96.900 đồng/cổ phiếu, tăng 23% trong vòng một năm qua. Tạm tính theo mức giá này, ước tính số tiền mà bà Thảo phải chi ra để hoàn thành giao dịch là gần 400 tỷ đồng.
Được biết, bà Trần Phương Ngọc Thảo sinh năm 1984, có trình độ cử nhân Kinh tế và Quản trị kinh doanh từ Đại học Oxford (Anh) và Tiến sĩ Kinh tế học từ Đại học Harvard (Mỹ).
Bà Thảo gia nhập PNJ từ tháng 10/2019, bà Thảo bắt đầu với vai trò Trợ lý Tổng giám đốc cho ông Lê Trí Thông. Chỉ sau nửa năm, bà được bổ nhiệm làm Giám đốc cao cấp - Chuyển đổi số hóa, và đến tháng 6/2020, bà được bầu làm Thành viên HĐQT.
Từ tháng 2/2022, bà giữ vai trò Chủ tịch Công ty TNHH MTV Giám định PNJ (PNJL). Đến tháng 4/2023, bà đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch HĐQT PNJ.
Ngoài bà Thảo, bà Cao Thị Ngọc Dung và cố doanh nhân Trần Phương Bình còn hai người con gái khác là bà Trần Phương Ngọc Giao và bà Trần Phương Ngọc Hà.
Cũng liên quan tới giao dịch cổ phiếu PNJ, trong tháng 10 và 11 vừa qua, 3 thành viên HĐQT PNJ khác đã bán ra cổ phiếu này. Cụ thể, ông Lê Quang Phúc, Lê Trí Thông (kiêm Tổng giám đốc) và bà Đặng Thị Lài đã bán lần lượt 18.000 cổ phiếu, 500.000 cổ phiếu và 600.000 cổ phiếu PNJ. Sau các giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Thông và bà Lài giảm còn 0,36% và 0,55%, trong khi ông Phúc nắm giữ tỷ lệ không đáng kể.
Về tình hình kinh doanh, 10 tháng đầu năm, công ty vàng bạc đá quý này thu về 32.371 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ chí phí, PNJ báo lãi sau thuế 10 tháng đạt 1.600 tỷ đồng, tăng hơn 4%.
Với kế hoạch doanh thu thuần cả năm đạt 37.148 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 2.089 tỷ đồng, PNJ đã hoàn thành 87% kế hoạch doanh thu và 77% kế hoạch lợi nhuận.
HOÀNG THỊNH