Trần Dương

Cổ phiếu ngành bất động sản kỳ vọng vào tiến độ tiêm vaccine

Các mã cổ phiếu VHM, NLG và KDH dự kiến sẽ có triển vọng về cuối năm với các dự án được cấp phép tại phân khúc trung cấp và bình dân, phù nhu cầu thực của người dân ở thời điểm hiện tại.

Ảnh minh họa

Báo cáo mới nhất từ Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng thị trường bất động sản trong nước có thể khó khăn tạm thời trong quý 3 do dịch COVID-19 đang bùng phát. Tuy nhiên, thị trường sẽ nhanh chóng phục hồi trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Trên thị trường chứng khoán, các mã cổ phiếu của VHM (Vinhomes), NLG (Công ty Nam Long) và KDH (Công ty Khang Điền) dự kiến sẽ có triển vọng với các dự án được cấp phép tại phân khúc trung cấp và bình dân, phù nhu cầu thực ở của người dân thời điểm hiện tại.

Theo VNDIRECT, nguồn cung bất động sản trên thị trường đang gia tăng nhờ những nới lỏng về pháp lý, bên cạnh đó lực cầu cũng được thúc đẩy khi lãi suất cho vay mua nhà được duy trì ở mức thấp đồng thời cơ sở hạ tầng trong nước cũng đang được tăng tốc phát triển. Do đó, VNDIRECT cho rằng thị trường bất động có thể sẽ bước vào thời điểm thuận lợi từ quý 4.

Nhiều yếu tố thúc đẩy nhu cầu về cuối năm

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng thị trường tài chính sẽ phục hồi diện rộng đồng thời thúc đẩy ngành bất động sản trong nửa cuối năm 2021 và năm 2022.

Những yếu tố thúc đẩy được bà Hiền chỉ ra đó là tốc độ triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 đang được các cơ quan chức năng triển khai nhanh chóng, điều này sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế thế giới trong nửa cuối năm 2021.

“Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam có nhiều dư địa để tận dụng cơ hội khi sức mua toàn cầu phục hồi. Số liệu kinh tế tích cực của Việt Nam trong chặn đường nửa đầu của năm là chỉ báo rõ ràng cho sức phục hồi trong một vài năm tới. VNDIRECT kỳ vọng GDP cả nước sẽ tăng trưởng lần lượt 6,5%-7,4% so với cùng kỳ trong năm 2021 và năm 2022, nhờ sự mở rộng của ngành sản xuất và sự phục hồi mạnh mẽ của ngành dịch vụ,” bà Hiền chia sẻ.

Bên cạnh đó, báo cáo của VNDIRECT chỉ ra mặc dù những rủi ro lạm phát đang gia tăng song hành với đà tăng trưởng vĩ mô, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Trên cơ sở đó, VNDIRECT cho rằng lạm phát có thể được kiểm soát trong nửa cuối năm 2021 nhờ chỉ số chỉ số giá nhóm lương thực giảm trong bối cảnh giá thịt lợn giảm và việc Chính phủ áp dụng các biện pháp kiểm soát lạm phát hiệu quả (như giảm giá điện, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô). Theo đó, VNDIRECT dự báo CPI bình quân năm 2021 sẽ tăng 2,9% so với cùng kỳ.

Trên thị trường bất động sản, lãi suất vay mua nhà ở các ngân hàng nội địa tương đối ổn định ở mức 9,2%-9,5% trong nửa đầu năm và đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua.

“Nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ thích ứng vào năm 2021 nhờ lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Điều này giúp lãi suất cho vay thế chấp có thể vẫn ở mức thấp, từ đó sẽ hỗ trợ kích cầu bất động sản trong thời gian tới,” bà Hiền phân tích.

Ngoài ra, Chính phủ đang có nhiều động thái quyết liệt hơn thúc đẩy đầu tư công trong nửa cuối 2021, đặc biệt là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy nền kinh tế hồi phục. Theo các chuyên gia của VNDIRECT, điều này sẽ tác động trực tiếp tới thị trường bất động sản và trở thành động lực tăng trưởng chính của thị trường trong các năm tiếp theo.

Nguồn cung phục hồi ở cả phía Nam và Bắc

Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, chuyên viên phân tích của VNDIRECT cho rằng sau khi Nghị định số 148/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Luật Xây dựng sửa đổi 2020 được ban hành, dự kiến nguồn cung căn hộ mới tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể phục hồi trong năm 2022 với mức tăng 26,2% và 55,7% ở năm 2023, trong đó phân khúc trung cấp sẽ đóng góp 30%-50% vào tổng nguồn cung.

Nhóm phân tích của VNDIRECT nhận định giá bán căn hộ sơ cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng chậm lại khoảng 1%-4% ở tất cả phân khúc (ngoại trừ phân khúc hạng sang).

Trên thị trường phía Bắc, bà Tú dự báo nguồn cung căn hộ mới tại Hà Nội có thể sẽ tăng 40% so với cùng kỳ năm 2020 (đạt khoảng 25.000 căn trong năm 2021) với sự đóng góp từ các đại dự án của Vinhomes, Sunshine Empire và Gamuda City…. Đối với phân khúc nhà liền thổ, các tỉnh lân cận của Hà Nội sẽ là điểm sáng của thị trường, tiêu biểu như Vinhomes dự kiến sẽ mở bán một khu đô thị 460ha tại Hưng Yên trong nửa cuối năm 2021.

Tuy nhiên, báo cáo của VNDIRECT cho rằng giá nhà tại Hà Nội khả năng sẽ tăng chậm lại ở mức khoảng 4%-6% trong nửa cuối năm nay và năm 2022, sau cơn “sốt đất” trong những tháng đầu năm với mức tăng trung bình 14,5% so với cùng kỳ, thậm chí giá đất tại một số nơi ghi nhận tăng đột biến (như Đông Anh tăng 75,5%, Thanh Trì tăng 25,6%).

Nguồn cung tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội:

Nguồn: VNDIRECT

(Nguồn: VNDIRECT)

Trên thị trường chứng khoán, bà Tú chỉ ra các mã cổ phiếu của VHM (Vinhomes), NLG (Công ty Nam Long) và KDH (Công ty Khang Điền) dự kiến sẽ có triển vọng với các dự án được cấp phép xây dựng/giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm, trong đó chủ yếu là quỹ căn hộ thuộc phân khúc trung cấp và bình dân. Bên cạnh đó, các công ty này cũng có sức khỏe tài chính khá lành mạnh (tỷ lệ đòn bẩy thấp, thanh khoản cao), có thể chống lại các rủi ro thắt chặt tài chính tín dụng đối với thị trường bất động sản.

Cụ thể, tổng quỹ đất của VHM bao gồm cả đất mua lại là 16.400ha tính đến tháng 3/2021, gấp khoảng 3,3 lần so với doanh nghiệp có quỹ đất lớn thứ hai là Novaland.

Bên cạnh đó, KDH lại sở hữu năng lực tài chính, pháp lý minh bạch và quỹ đất sẵn sàng phát triển lớn (578ha đất phát triển nhà ở và 110ha cho khu công nghiệp vào cuối tháng Năm) giữa lúc nguồn cung khan hiếm tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, NLG cũng đang sở hữu quỹ đất lớn 681ha (tính đến cuối quý 1), tại các tỉnh lân cận Thành phố Hồ Chín Minh đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nhờ phát triển cơ sở hạ tầng tại các tỉnh Đồng Nai, Long An, Cần Thơ…./.

Hạnh Nguyễn