Trần Dương

Cổ phiếu EIB bất ngờ giảm sàn trong phiên cuối của tháng 9, có đến 70 triệu cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận với giá trị lên đến 2.700 tỷ đồng

Dù giảm sản trong phiên 30/9, nhưng có hơn 70,3 triệu cổ phiếu EIB được trao tay giữa các nhà đầu tư theo phương thức thỏa thuận, giá trị tới hơn 2.700 tỷ đồng, trong đó đa số là các giao dịch được thực hiện ở giá trần 39.300 đồng/cp.

Theo đó, phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng đã đảo chiều phục hồi và đóng cửa trong sắc xanh, trong khi đó, cổ phiếu EIB (Eximbank)– vốn là mã ngân hàng diễn biến tích cực nhất trong 1 tuần trở lại đây lại bất ngờ giảm kịch sàn. Kết phiên, giá cổ phiếu EIB còn 34.200 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh đạt 1 triệu đơn vị, giá trị 38 tỷ đồng.

70 triệu cổ phiếu cổ phiếu EIB được giao dịch thỏa thuận có giá trị lên đến 2.700 tỷ đồng trong phiên 30/9.

Dù giảm kịch sàn phiên hôm nay, cổ phiếu EIB vẫn là mã ngân hàng niêm yết duy nhất tăng giá trong tháng 9, với mức tăng ghi nhận trong một tháng qua là 12,7%.

Thanh khoản khớp lệnh của EIB trong 1 tháng qua thường ở dưới 1 triệu đơn vị/phiên, một số phiên có thể cao hơn lên trên 2 triệu đơn vị. Trong khi đó, cổ phiếu này liên tục có giao dịch thỏa thuận với khối lượng "khủng", đặc biệt là phiên hôm nay (30/9).

Chỉ trong ngày 30/9, có hơn 70,3 triệu cổ phiếu EIB được trao tay giữa các nhà đầu tư theo phương thức thỏa thuận, giá trị tới hơn 2.700 tỷ đồng, trong đó đa số là các giao dịch được thực hiện ở giá trần 39.300 đồng/cp. Giá bình quân của giao dịch thỏa thuận cổ phiếu EIB hôm nay là khoảng 39.000 đồng. Con số hơn 70 triệu cp EIB chiếm khoảng 5,7% cổ phần ngân hàng.

Tính từ đầu tháng 9 đến nay, 127,4 triệu cp EIB đã được giao dịch thỏa thuận, giá trị 4.600 tỷ đồng. Số cổ phiếu này chiếm hơn 10% vốn cổ phần ngân hàng.

Cụ thể, trong cuộc họp cổ đông thường niên hồi tháng 4/2022, lãnh đạo Eximbank khẳng định tình trạng “đấu đá nội bộ” đã kết thúc. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, xáo trộn trong cơ cấu cổ đông Eximbank có thể còn kéo dài thêm một thời gian nữa, trong đó có liên quan đến sở hữu của cổ đông nước ngoài SMBC.

Giữa tháng 9, Eximbank cũng thông báo cho biết, từ ngày 14/9, ông Võ Quang Hiển không còn là thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank và thành viên/ủy viên các hội đồng/ủy ban trực thuộc Eximbank. Lý do miễn nhiệm là do ông Võ Quang Hiển không còn làm người đại diện theo ủy quyền của cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) tại Eximbank từ ngày 14/9. Cổ đông này đang nắm giữ 15% vốn của ngân hàng.

Ông Hiển rút khỏi HĐQT Eximbank chỉ sau 7 tháng được bầu. Hồi tháng 2/2022, ông Võ Quang Hiển được đề cử tham gia vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2022 - 2025.

Mối quan hệ giữa SMBC và Eximbank được cho đang đi đến hồi kết. Tháng 3/2022, SMBC cũng thông báo cho biết đã chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank. Đồng thời, các cuộc thảo luận đang được tiến hành liên quan đến số cổ phiếu EIB mà tập đoàn này sở hữu.

Liên quan đến cổ phiếu này, Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã chấp thuận cho Eximbank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.459 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông Eximbank thông qua. Theo đó, Eximbank sẽ phát hành 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 20%. Đây là lần đầu tiên Eximbank chia cổ tức kể từ năm 2014 đến nay

Sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu chia cổ tức, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên mức 14.814 tỷ đồng, là lần đầu tiên Eximbank thực hiện tăng vốn điều lệ sau hơn một thập kỷ.

AN NHIÊN