Nhiều chuyên gia khuyến nghị các nhà đầu tư cần quan sát các yếu tố xung quanh thị trường và lựa chọn thời điểm cũng như phương pháp đầu tư phù hợp.
Thận trọng quan sát thị trường
Vừa qua, Quốc hội đã chính thức “bấm nút KPI” cho Chính phủ Việt Nam trong năm 2024 đạt mức tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%, dựa theo dự báo của các tổ chức kinh tế thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng, triển vọng Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng nói trên là tương đối tích cực. Đặc biệt, xuất nhập khẩu cũng phục hồi từ tháng 10 và 11/2023, cho thấy tín hiệu ban đầu của hồi phục kinh tế và là bước đệm cho năm 2024.
Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc vĩ mô và chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, động lực tăng trưởng của TTCK 2024 chủ yếu dựa trên câu chuyện hạ mặt bằng lãi suất và tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết. Tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết dự kiến đạt được khoảng 15-20% vào năm 2024, dựa trên nền năm 2023 tăng trưởng thấp và yếu tố về định giá thị trường. Cụ thể, P/E thị trường hiện ở mức 15 lần - mức trung tính và là cơ sở để đánh giá TTCK 2024 sẽ có chuyển biến tốt hơn.
“Chúng ta có thể kỳ vọng năm 2024 là năm bản lề để nền kinh tế quay trở lại chu kỳ tăng trưởng cao và bền vững nhờ những chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ kết hợp với các điều kiện khách quan bên ngoài thuận lợi”, ông Trần Đức Anh cho biết.
Ông Bùi Văn Tốt, Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ SSI nhìn nhận, TTCK năm 2024 sẽ “lạc quan trong thận trọng”. Trong đó, các yếu tố lạc quan có thể kể đến như: FED sẽ đi vào chu kỳ giảm lãi suất vào năm 2024, tạo ra sự tích cực không chỉ ở các tài sản đầu tư mà ở cả nền kinh tế nói chung; Kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm 2024 cũng tốt hơn nhiều; Các hoạt động tiêu dùng trong nước cũng như thương mại xuất khẩu sẽ được cải thiện trong năm 2024; Việc nâng hạng TTCK đang đến gần hơn; và các chính sách của Chính phủ Việt Nam nói chung vẫn sẽ là kích thích tăng trưởng kinh tế cả về mặt tiền tệ và tài khoá.
Tuy nhiên về thận trọng, theo ông Bùi Văn Tốt, có một số yếu tố chúng ta cần theo dõi rất sát sao trong năm 2024 để biết nền kinh tế sẽ đi đến đâu.
Thứ nhất, môi trường của các nền kinh tế khác là đối tác thương mại chính của Việt Nam như Mỹ, EU hoặc Trung Quốc đều được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2024 và gặp những khó khăn nhất định. Chúng ta chưa thể kỳ vọng hoạt động thương mại của Việt Nam quá mạnh mẽ trong năm 2024.
Thứ hai, chính sách tiền tệ sẽ không còn nhiều dư địa để nới lỏng hơn nữa, vì nền lãi suất đã hình thành khá thấp, nhưng mức hấp thụ tín dụng của nền kinh tế cũng không cao do phía cầu có vấn đề. Bù lại, chính sách tài khóa sẽ khá ổn vì theo kế hoạch, giải ngân đầu tư công sẽ tăng 10% so với năm 2023.
Thứ ba, các lớp tài sản khác như thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn ảm đạm sau sự kiện nổ bong bóng trái phiếu vào năm 2022. Do đó, nhà đầu tư cần thời gian để lấy lại niềm tin, đồng thời các cơ quan quản lý sẽ đưa ra các cơ chế bảo vệ nhà đầu tư. Trong khi đây là một kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp, nếu vẫn ảm đạm thì doanh nghiệp cũng sẽ khó khăn trong việc thu xếp vốn.
Thứ tư, thị trường bất động sản cần khá nhiều thời gian để tạo đáy và cân bằng lại. Bởi vì, thanh khoản không nhiều và giá giảm khá nhiều ở các phân khúc đầu cơ, là phân khúc đất nền ở những vùng ven.
Thứ năm, định giá của TTCK hiện tại với các ngành phi tài chính không quá rẻ, nếu loại bỏ ngành ngân hàng và bất động sản thì các ngành khác đang có định giá khá cao. Để thu hút dòng tiền lớn, lợi nhuận doanh nghiệp phải có tốc độ tăng trưởng cao hơn để định giá trở nên rẻ hơn.
Chọn thời điểm đầu tư
Ông Bùi Văn Tốt cho rằng, trong năm 2024 TTCK sẽ có sự phân hóa rất lớn giữa các ngành cũng như giữa các doanh nghiệp trong từng ngành, giống như việc đã xảy ra trong năm 2023.
Đây là thời điểm tốt để nhà đầu tư có thể tham gia thị trường, vì trong chu kỳ FED giảm lãi suất và lợi nhuận các doanh nghiệp đang tăng trưởng, thì TTCK thường sẽ mang lại những mức lợi suất tốt cho nhà đầu tư.
“Trên thực tế, TTCK đang ở giai đoạn “nghi ngờ” khi mọi người vẫn chưa quá lạc quan khi có những yếu tố tốt và xấu đan xen. Tôi cho rằng, chúng ta cần có tính nhất quán trong việc đầu tư và hiểu rõ phương pháp đầu tư của mình. Vì trên thị trường có rất nhiều thông tin cũng như trường phái đầu tư khác nhau, cũng không có trường phái này tốt hơn các trường phái khác. Về cơ bản, chỉ cần làm tốt phương pháp của mình mà phương pháp đó đang hiệu quả là được.
Ngoài ra, nhà đầu tư nên biết phân tích được lợi nhuận của mình đến từ đâu, ví dụ một quỹ đầu tư sẽ cần phân tích được lợi nhuận đó đến từ việc phân bổ giữa tiền, cổ phiếu, trái phiếu,... ra sao. Ở từng thời điểm khác nhau, mỗi lớp tài sản sẽ có mức lợi tức tốt hơn so với những tài sản khác”, ông Tốt khuyến nghị.
DIỄM NGỌC