Được biết, CTCP Chứng khoán DNSE tiền thân là Chứng khoán Đại Nam, thành lập năm 2007 với vốn điều lệ ban đầu 38 tỷ đồng. Hai lần tăng vốn tiếp theo vào 2009 và 2011, DNSE lần lượt nâng vốn điều lệ lên 50 và 75 tỷ đồng. Đến năm 2015, công ty đã tăng vốn lên 160 tỷ đồng.
Sang năm 2020, bước ngoặt xuất hiện khi Chứng khoán Đại Nam thông báo hoàn tất chuyển nhượng hơn 98% vốn từ 6 cổ đông lớn sang 2 nhà đầu tư tổ chức gồm Công nghệ Tài chính Encapital và Encapital Holdings trong ngày 30/12/2020.
Theo đó, hai doanh nghiệp này đều liên quan đến doanh nhân Nguyễn Hoàng Giang. Hiện, ông Giang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT DNSE, Chủ tịch HĐQT Encapital Fintech, Tổng Giám đốc Encapital Holdings.
Trước khi quyết định startup với EnCapital, ông Nguyễn Hoàng Giang từng Tổng giám đốc VNDirect– doanh nghiệp có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng khi mới 24 tuổi. Khi đó, doanh nhân này được coi là CEO trẻ nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam. Sau 8 năm ngồi ghế nóng VNDirect, ông Giang từ nhiệm và bắt đầu với một dự án mới.
Trả lời báo chí về quyết định mua lại Công ty Chứng khoán Đại Nam, Chủ tịch DNSE – ông Nguyễn Hoàng Giang cho biết, thời điểm mua lại doanh nghiệp này cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, thị trường chứng khoán lao dốc mạnh, ảnh hưởng nặng đến tâm lý nhà đầu tư.
“Chứng khoán Đại Nam khi mới được mua lại không có nhiều khách hàng. Tổng tài sản chứng khoán lưu ký khoảng dưới 2.000 tỷ đồng”, ông Giang kể.
Kể từ khi chuyển nhượng cho cổ đông Encapital, DNSE tiếp tục trải qua 3 lần tăng vốn điều lệ. Tháng 7/2021, vốn điều lệ công ty ở mức 1.000 tỷ đồng, sau đó, doanh nghiệp này tiếp tục tăng lên 3.000 tỷ đồng vào tháng 5/2022. Sau khi IPO 30 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ doanh nghiệp này nâng lên 3.300 tỷ đồng.
Trong đó, CTCP Công nghệ tài chính Encapital (Encapital Fintech) nắm giữ 56,1%; quỹ ngoại PYN Elite Fund (Phần Lan) nắm 12% vốn; CTCP Encapital Holdings nắm giữ 11%.
Không chỉ tăng vốn điều lệ, thị phần, doanh thu và lợi nhuận của DNSE cũng tăng bằng lần kể từ khi về tay Encapital.
Ngay năm đầu tiên đổi chủ, doanh thu của DNSE đã tăng 8 lần lên 180,7 tỷ đồng, lợi nhuận cũng tăng 27 lần lên 54,5 tỷ đồng vào năm 2021.
Đến năm 2022, doanh nghiệp này ghi nhận tổng doanh 467 tỷ đồng, tăng trưởng 150% trong bối cảnh thị trường Việt Nam tồn tại nhiều “con gió ngược”. Lợi nhuận trước thuế của DNSE cũng tăng 1,4 lần so với năm trước, đạt 94,92 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 78 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2021.
Năm 2023, tổng doanh thu của công ty đạt 715 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ các khoản cho vay và phải thu ghi nhận 286 tỷ đồng, lãi từ các tài sản chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) 158 tỷ đồng, lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn 196 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí, DNSE lãi sau thuế gần 229 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với năm trước đó.
Như vậy, sau hơn 3 năm chuyển sang mô hình công ty chứng khoán công nghệ, lợi nhuận sau thuế của DNSE đã tăng gấp 104 lần so với thời điểm năm 2020, từ 2,2 tỷ đồng lên 229 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính mời nhất của DNSE, doanh thu hoạt động trong quý III/2024 của doanh nghiệp này tiếp tục tăng hơn 20 tỷ đồng tương ứng 12% so với kết quả cùng kỳ. Doanh thu hoạt động tăng chủ yếu đến từ: Doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán tăng hơn 9,2 tỷ đồng, tương ứng tăng 39%. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng hơn 14,9 tỷ đồng, tương ứng tăng 19% so với cùng kỳ.
Động lực tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của DNSE đến từ hệ thống sản phẩm khác biệt như các gói vay margin đa dạng, trợ lý chứng khoán ảo cung cấp thông tin nhanh chóng, mạng lưới phát triển khách hàng thông qua kết nối API với các đối tác tài chính như ZaloPay, các kênh mạng xã hội Bò và Gấu...
Sau khi IPO, trong 5 năm tới, DNSE đặt mục tiêu đạt 5 triệu khách hàng, vốn hóa 72.000 tỷ đồng (tương đương 3 tỷ USD) và lợi nhuận đạt 2.400 tỷ đồng (100 triệu USD).
THỊNH HUY