Trần Dương

Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn và những người có liên quan nắm số lượng lớn cổ phần của Ngân hàng Phương Đông (OCB)

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/7, các ngân hàng phải công khai thông tin cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ. Ngân hàng Phương Đông (OCB) vừa công bố danh sách thuộc diện này. Theo đó, OCB có tỷ lệ sở hữu cô đặc khi 17 cá nhân, doanh nghiệp trong nước nắm hơn 60% cổ phần ngân hàng này.

Cụ thể, OCB có 20 cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ ngân hàng, trong đó gồm 3 cổ đông ngoại là Aozora Bank (15%), Portal Global Limited (3%) và Pyn Elite Fund (2,4%). 17 cá nhân và doanh nghiệp trong nước còn lại nắm giữ hơn 60% vốn điều lệ.

trinh-tuan-ocb-1721949841.png

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch OCB cùng người có liên quan, nắm giữ tổng cộng 19,9% vốn điều lệ.

Với nhóm nhà đầu tư cá nhân, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch OCB cùng người có liên quan, nắm giữ tổng cộng 19,9% vốn điều lệ. Một số cá nhân khác nắm giữ lượng lớn cổ phiếu OCB bao gồm: bà Trịnh Mai Linh, Trịnh Mai Vân, ông Nguyễn Đức Toàn, bà Cao Thị Quế Anh, bà Trịnh Thị Mai Anh, ông Phan Trung.

Về phía tổ chức, ngoài Văn phòng Thành uỷ sở hữu 3,65% vốn, 9 doanh nghiệp đang nắm giữ 31,6% cổ phần Ngân hàng Phương Đông.

Nhóm này gồm Tổng công ty Bến Thành - TNHH MTV (4,96%), Công ty cổ phần đầu tư Bình An House (4,7%), Công ty cổ phần Greenwave Capital (4,4%), Công ty cổ phần Đầu tư HVR (3,85%), Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Tây Ninh (3,2%), Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Hve (3,1%), Công ty cổ phần Next Green Capital (2,89%), Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp điện số (3,26%), Công ty TNHH Đầu tư TQA (1,1%).

Theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi hiệu lực từ 1/7, danh sách "những người có liên quan" của cổ đông được mở rộng so với trước, gồm cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, con rể, anh chị em vợ, anh chị em chồng, anh em chị dâu, ông bà nội ngoại, dì bác cô chú...

Pháp nhân, cá nhân khác có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng được xác định theo quy định nội bộ của ngân hàng hoặc theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước qua thanh tra, giám sát, cũng được xem là "người có liên quan".

Điểm quan trọng khác trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi là việc giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.

Kể từ 1/7, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt trần theo quy định mới vẫn được duy trì nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

AN NHIÊN