Theo ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Kế hoạch Đầu tư, năm trước, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân đạt 96%, cao hơn mức bình quân cả nước là 92% và gấp 1,3 lần giá trị giải ngân của Bộ năm 2021.
Phần lớn trong hơn 94.000 tỷ đồng kế hoạch này đã được Bộ Giao thông Vận tải giao chi tiết đợt 1 cho các dự án đủ thủ tục, còn lại 26 tỷ đồng được giao từ nguồn thu xử lý sắp xếp nhà đất cho các bộ, cơ quan trung ương. Do không có kế hoạch trung hạn nên khoản này chưa thể phân bổ chi tiết và cần báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn thủ tục.
Tính bình quân mỗi tháng phải giải ngân 8.000 tỷ. Con số này theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng là "khổng lồ" và tháng nào không đạt sẽ gây áp lực bù vào những tháng tiếp theo.
Để đảm bảo tiến độ giải ngân, Bộ trưởng nêu 4 nguyên tắc. Một là dự án mới phải khởi công càng sớm càng tốt. Hai là công tác giải phóng mặt bằng càng nhanh càng tốt.
Thứ ba, việc thi công phải nhanh nhất, nhiều nhất. Cuối cùng là các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với quy mô gói thầu lớn nên phải triển khai song song nhiều việc.
Rút kinh nghiệm từ các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 bị chậm tiến độ, Bộ trưởng Thắng yêu cầu các Ban Quản lý dự án phải chủ động, kiên quyết xử lý, thay thế nhà thầu vi phạm hợp đồng, đồng thời các đơn vị nghiên cứu phương thức quản lý mới, hiệu quả hơn, ứng dụng công nghệ trong quản lý, kiểm soát các dự án, để thi công nhanh, nhiều, chất lượng, an toàn nhất.
"Các đồng chí lãnh đạo Ban quản lý dự án phải chịu trách nhiệm cao nhất trước lãnh đạo Bộ, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực", Bộ trưởng chỉ đạo.
Năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến khởi công 24 dự án, hoàn thành 29 dự án. Trong đó, tập trung hoàn thành 7 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020 và cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ; đẩy nhanh tiến độ 12 dự án thành phần thuộc giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, Bộ tập trung thực hiện các dự án cầu Rạch Miễu 2, tuyến tránh quốc lộ 1A, tỉnh Cà Mau, mở rộng quốc lộ 1A qua tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang...
AN NHIÊN