Trần Dương

Biệt thự, liền kề Hà Nội: Nguồn cung tăng, thanh khoản tốt

Theo các đơn vị nghiên cứu, thị trường biệt thự, liền kề Hà Nội sẽ có sự cải thiện rõ ràng từ năm 2025 với sự tăng trưởng nguồn cung từ các đại dự án mới.

cung-1-1728608712.jpg

Thị trường biệt thự, liền kề Hà Nội khởi sắc. Ảnh: DH

Nguồn cung tăng, thanh khoản tốt

Theo ghi nhận của CBRE Việt Nam, nguồn cung mở bán mới nhà ở gắn liền với đất (biệt thự, liền kề) trong quý 3/2024 tại Hà Nội đã ghi nhận sự cải thiện đáng kể so với 2 quý đầu năm.

Cụ thể, thị trường đã ghi nhận 3.200 căn mở bán mới, trong đó gần 80% nguồn cung mới đến từ 1 dự án đô thị tại Đông Anh mở bán lần đầu. Đặc biệt, số lượng mở bán mới riêng trong quý 3 đã vượt tổng nguồn cung mới trong cả năm 2023.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, tổng nguồn cung mới về nhà ở gắn liền với đất tại Hà Nội đạt hơn 3.500 căn, là mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, chỉ thấp hơn so với 9 tháng đầu năm 2022 khi thị trường ghi nhận nguồn cung lớn từ 2 đại đô thị Vinhomes Ocean Park 2 và 3.

Về tỷ lệ hấp thụ, số căn bán được trong quý này đã ghi nhận mức tăng đáng kể so với đầu năm, đạt hơn 2.500 căn, gấp gần 5 lần so với quý trước và tăng 124% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số căn bán được trong 9 tháng đầu năm 2024 ghi nhận hơn 3.400 căn, gần xấp xỉ nguồn cung mở bán mới trong kỳ. Phần lớn số căn bán được tập trung tại các dự án đô thị lớn ở Đông Anh, huyện Văn Giang (Hưng Yên), và từ các đợt mở bán tiếp theo của các dự án ở Hà Đông.

Về giá bán, giá bán sơ cấp trung bình quý 3/2024 tăng đáng kể so với quý trước, đạt 235 triệu đồng/m2, tăng 16% theo quý và gần 27% theo năm. Phần lớn các dự án mở bán mới trong quý này có vị trí thuận lợi, nằm ở các khu vực đang được đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, do đó mức giá chào bán sơ cấp tương đối cao.

Trong khi đó, giá bán trung bình thứ cấp vào cuối quý 3/2024 vẫn tiếp tục đà tăng từ các quý trước. Giá thứ cấp trung bình của nhà ở gắn liền với đất tại Hà Nội quý này đạt xấp xỉ 167 triệu đồng/m2 (đã bao gồm chi phí xây dựng và chưa bao gồm VAT), tăng 3% theo quý và gần 7% theo năm. Một số dự án tại các khu vực như Đông Anh và Long Biên ghi nhận mức tăng giá thứ cấp cao hơn, khoảng 5% theo quý, nhờ vào việc phát triển cơ sở hạ tầng và sự ra mắt của các dự án mới.

Trong khi đó, theo ghi nhận từ Savills, tỷ lệ hấp thụ trong quý tăng 30 điểm % theo quý, đạt mức 48%. Mức tăng trưởng này góp phần bởi sự giao dịch tốt tại dự án Thanh Lâm Đại Thịnh 2, đã bán được 85% nguồn cung mới mở bán, chiếm 37% lượng giao dịch trong quý tại Hà Nội.

Các dự án An Quý Villa, Solasta Mansion và Him Lam Thường Tín cũng có giao dịch tốt, đóng góp cho sự cải thiện tỷ lệ hấp thụ của thị trường.

Các dự án tại khu vực ngoại thành như quận Hà Đông, huyện Mê Linh và Thường Tín có nguồn cầu lớn. Mê Linh dẫn đầu lượng giao dịch sơ cấp với 37%, theo sau là Hà Đông với 33% và Thường Tín với 12%.

Còn theo số liệu từ Bộ Xây dựng, giá bán bình quân của một số dự án biệt thự, liền kề cũng biến động tăng so với các tháng của quý trước, từ 7% đến 10% theo từng dự án và khu vực.

Cải thiện rõ ràng hơn từ 2025

Theo các chuyên gia của Savills, thị trường biệt thự, liền kề Hà Nội sẽ ghi nhận sự cải thiện sẽ rõ ràng hơn trong năm 2025 tới, với nguồn cung từ đại dự án mới.

cung-2-1728608859.jpg

Nguồn cung sẽ cải thiện nhiều từ 2025. Ảnh: DH

Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cũng đưa ra dự báo nguồn cung thị trường nhà ở gắn liền với đất cũng đạt mức cao nhất trong nhiều năm, 5.000 căn chỉ sau 2022. Sức mua nhà khả quan, kết hợp với các dự án chất lượng được phát triển bởi các chủ đầu tư có kinh nghiệm, sẽ là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của thị trường trong 1-2 năm tới.

Còn theo Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, phân khúc biệt thự, liền kề sẽ còn tiếp tục biến động giá trong thời gian tới, đặc biệt là những dự án tại các quận nội đô, khu vực trung tâm khi nguồn cung tiếp tục khan hiếm, quỹ đất thu hẹp. Tuy nhiên, giá sẽ tăng chậm và bền vững, sẽ không có những đợt sóng giá như thời gian vừa qua.

DIỆU HOA