Trần Dương

Từ vụ sụp đổ của Evergrande, doanh nghiệp bất động sản Việt Nam tiềm ẩn những nguy cơ nào?

Admin

“Tôi khẳng định, với trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam, khả năng vỡ nợ là có, chỉ có điều chưa biết khi nào mà thôi”, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinRatings cảnh báo.

Hưng Thịnh Land đứng đầu doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với 9.650 tỷ đồng từ đầu năm đến nay

Evergrande Group Trung Quốc lần đầu tiên vỡ nợ trái phiếu USD trong bối cảnh trái phiếu bất động sản Việt Nam từ đầu năm đến nay liên tục tăng trưởng nóng khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi lo ngại. Chính phủ, các bộ ngành liên tục đưa ra những cảnh báo, thanh gia, giám sát. Các chuyên gia kinh tế cũng liên tục đưa ra đã cảnh báo.

Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới phát triển bùng nổ 3 năm trở lại đây. Với kỳ hạn dài, điểm rơi kỳ hạn thanh toán sẽ tập trung vào 3-4 năm tới. Do đó, nhà đầu tư phải sẵn sàng tâm lý khi bỏ vốn vào kênh này. Nếu một ngày, điện thoại không còn báo nhận tiền gốc và tiền lãi, thì cũng phải bình tĩnh đón nhận.

“Chúng ta chưa chứng kiến việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp vỡ nợ, chậm trả gốc trả lãi ở Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện mới ở giai đoạn đầu, thời gian đáo hạn vẫn còn 3-5 năm nữa, chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng. Tôi khẳng định, với trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam, khả năng vỡ nợ là có, chỉ có điều chưa biết khi nào mà thôi. Các nhà đầu tư tổ chức khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đều có tính toán, có phương án dự phòng rủi ro, các nhà đầu tư cá nhân cần thận trọng”, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings & FiinGroup cảnh báo.

Phát biểu tại một tọa đàm gần đây, TS Đinh Thế Hiển cho biết nguyên nhân cốt lõi của Evergrande nằm trong việc Tập đoàn đã đầu tư quá nóng bằng vốn vay vào thị trường bất động sản. Mặc dù được cảnh báo từ năm 2015 nhưng Evergrande vẫn đặt cược doanh thu vẫn tăng trưởng từ bất động sản, vay tăng nóng để phát triển. Những năm sau đó, thị trường bất động sản Trung Quốc đã không phục hồi như kỳ vọng của Evergrande nên đã xảy ra khủng hoảng..

Thực tế, việc doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động vẫn diễn ra hàng ngày. Với các doanh nghiệp chưa niêm yết, việc phá sản giống như “chết không làm đám ma”. Chính vì vậy, nhà đầu tư không nghe nhiều thông tin doanh nghiệp phá sản, vỡ nợ. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp chưa niêm yết đang phát hành lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường, sức khỏe của khối doanh nghiệp này đang xấu đi nhanh chóng vì Covid-19. Chính vì vậy, doanh nghiệp phát hành vỡ nợ là rủi ro mà nhà đầu tư bắt đầu phải lường đến, ngay tại lúc này.

Tại thị trường Việt Nam, ngân hàng và bất động sản là hai nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất. Tuy nhiên, trái phiếu ngân hàng bị loại khỏi cuộc chơi của nhà đầu tư cá nhân, vì các ngân hàng chủ yếu bán chéo trái phiếu cho nhau để tăng vốn. Trái phiếu doanh nghiệp được chào bán cho nhà đầu tư cá nhân lớn nhất trên thị trường là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản.

Theo thống kê của FiinRatings, 9 tháng năm 2021, lượng phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết lên đến 100.000 tỷ đồng, gấp 5 lần doanh nghiệp niêm yết. Đáng lưu ý, hệ số nợ vay ròng/EBITDA của nhóm nhà phát hành này lên đến hơn 8 lần (nghĩa là nếu dùng dòng tiền hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp mất hơn 8 năm mới trả được nợ).

Đáng lưu ý, tỷ lệ này còn cao hơn tỷ lệ đòn bẩy tài chính tại Evergrande trước khi phát nổ bom nợ trái phiếu doanh nghiệp hơn 300 tỷ USD. Nguy cơ vỡ nợ của nhóm doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết ở Việt Nam là rất lớn.

Những doanh nghiệp nào của Việt Nam “phạm” vào làn ranh Evergrande?

TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra 3 lằn ranh đỏ, nếu vượt quá thì được xem là vi phạm, có thể bị chính phủ, những cơ quan quản lý trừng phạt. Doanh nghiệp có thể vượt qua 1 trong 3 nhưng Evergrande đã vượt qua cả 3 lằn ranh, cụ thể gồm:

1. Tỷ lệ tổng nợ/tổng tài sản không vượt quá 70%. Tổng nợ ở đây gồm nợ người lao động, thuế, tổ chức tài chính, nợ nhà thầu… Evergrande ở mức 83%.

2. Tỷ lệ đòn bảy tài chính nợ/vốn chủ sở hữu không được phép vượt quá 100%, tức tỷ lệ 1:1. Nợ đây là nợ ngân hàng, nợ trái phiếu. Evergrande đã vượt mức đó 118%.

3. Tiền mặt công ty (trong két, gửi tại ngân hàng) chia cho nợ ngắn hạn (nợ sẽ thực hiện trả trong 12 tháng) phải trên 100%. Evergrande chỉ còn có 36%.

Khi vượt qua 3 làn ranh, các chủ nợ của Evergrande bắt đầu dừng lại tất cả các khoản cho vay mới. Với công ty bất động sản thì không cho vay mới, bắt dừng trả nợ dẫn tới việc phải bán tài sản đi để trả nợ, vào tình trạng bán tháo tài sản, bán với mức lỗ lớn, công ty bất động sản rơi vào khủng hoảng.

Từ trường hợp của Evergrande, nhìn về thị trường bất động sản Việt Nam, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết thị trường bất động sản Việt Nam không bị tác động trực tiếp nhưng tâm lý nhà đầu tư bắt đầu có ảnh hưởng. Đầu tiên là thị trường trái phiếu, nhà đầu tư bắt đầu e ngại. Hiện tại Bộ Tài chính cũng đang có nhiều chỉ đạo về việc đảm bảo an toàn cho thị tường trái phiếu.

Còn theo thông tin được chia sẻ từ ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinRatings, nếu áp dụng bộ tiêu chí "3 lằn ranh đỏ" của Trung Quốc vào 69 công ty bất động sản đang niêm yết của Việt Nam, 77% sẽ vi phạm một tiêu.

Theo bảng báo cáo của FiinGroup dựa trên số liệu được cập nhật tới hết báo cáo tài chính quý 2 năm 2021, các doanh nghiệp đạt và không đạt các tiêu chí như sau:

- Tiêu chí thứ 1: Về tỷ lệ nợ/tổng tài sản, hầu hết các doanh nghiệp đều đạt như Tài chính Hoàng Huy (TCH) mức thấp nhất 5%, Nam Long (NLG), Khang Điền (KDH), Đất Xanh (DXG), Vinhomes (VHM) ở mức đạt do dưới 70%. Chỉ riêng Novaland không đạt với tỷ lệ cao nhất là 73%.

- Tiêu chí thứ 2: Về yếu tố nợ ròng trên vốn chủ sở hữu, chỉ có Tài chính Hoàng Huy (TCH) và Nhà Khang Điền (KDH) là đạt khi tỷ lệ này lần lượt là 12% và 62%. Nhiều doanh nghiệp khác đều vượt 100%. Đáng chú ý có Novaland, Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG), Hà Đô (HDG), An Gia (AGG) và Phát Đạt (PDR) ghi nhận tỷ lệ cao lên tới 150% cho tới 330%.

- Tiêu chí thứ 3: Tỷ lệ tiền mặt trên nợ ngắn hạn, đây là thước đo thanh khoản cho việc chi trả các nghĩa vụ nợ của các doanh nghiệp. Ở tiêu chí này hầu hết các doanh nghiệp đều không đạt khi tỷ lệ dưới 1. Duy nhất có Tài chính Hoàng Huy (TCH) đạt mức 5.64 là mức rất cao. Tại mốc 30/6/2021, TCH đang duy trì hơn 5.400 tỷ đồng tiền gửi tại các Ngân hàng thương mại trong khi nợ và vay không đáng kể chỉ xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.

Trong lúc hành lang pháp lý về trái phiếu doanh nghiệp chưa hoàn thiện, các chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư trước khi mua trái phiếu doanh nghiệp của bất kỳ doanh nghiệp nào, phải yêu cầu cung cấp thật chi tiết các thông tin về bản cáo bạch, hợp đồng tín dụng, bảo lãnh phát hành, bảo lãnh thanh toán, tài sản đảm bảo, quy mô, lãi suất phát hành. Nếu có điều khoản mua lại thì điều kiện, cơ chế mua lại thế nào; nếu có tài sản đảm bảo thì khi khả năng vỡ nợ xảy ra, ai là đại diện đứng ra làm việc và xử lý…

Kim Điền