Khu đất công 132 Bến Vân Đồn của Vinafood 2 chuyển lòng vòng thành đất thương mại như thế nào qua bàn tay Nguyễn Kim, Phát Đạt?

Admin

Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) là doanh nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT. Tại thời điểm 31/3/2015, Vinafood 2 đang quản lý 146 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích hơn 3.4 triệu m2 tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước. Một trong số đó là khu đất 132 Bến Vân Đồn (quận 4, TP.HCM).

Theo Kiểm toán Nhà nước, Vinafood 2 đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất đều không tự triển khai dự án gắn với quyền sử dụng đất mà góp vốn với các đối tác bên ngoài, sau đó thoái vốn hoặc cam kết thoái vốn để chuyển giao đất cho đối tác không thông qua đấu giá.

Khu đất 132 Bến Vân Đồn được bán lại cho Công ty Phát Đạt với giá gần 900 tỷ đồng.

Đặc biệt, cũng theo Kiểm toán Nhà nước, Vinafood 2 đã thực hiện công tác lựa chọn nhà đầu tư hợp tác, góp vốn đều theo hình thức chỉ định, không có tiêu chí, không chào giá công khai, minh bạch nên làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro trong việc chọn nhà đầu tư không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án.

Một trong số đó là Khu đất 132 Bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM có diện tích 7.886 m2. Đây là khu đất được Vinafood 2 chỉ định cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim) làm đối tác liên doanh, liên kết.

Năm 2007, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Vĩnh Hội (Công ty Vĩnh Hội) thuộc Vinafood 2 được thành lập để triển khai dự án Trung tâm thương mại – Văn phòng và Căn hộ tại số 132 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4, TP.HCM với tổng diện tích sử dụng 7.619 m2.

Đến cuối năm 2013, UBND Quận 4 đã có công văn yêu cầu chủ đầu tư cam kết khởi công xây dựng vào năm 2015 và hoàn thiện công trình vào năm 2017. UBND sẽ thu hồi, hủy bỏ dự án nếu không thực hiện như tiến độ đã cam kết.

Vào thời điểm 2014, dự án được góp vốn bởi các cổ đông bao gồm: Công ty Nguyễn Kim nắm giữ trên 44% vốn, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang là cổ đông lớn thứ 2 nắm 25% vốn, Công ty đầu tư Kim Long và Vinafood 2.

Vào tháng 11/2015, Vinafood 2 đã bán đấu giá 1,5 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nhà Vĩnh Hội với giá bình quân bằng với giá khởi điểm là 30.000 đồng/cổ phần cho 3 nhà đầu tư (1 tổ chức và 2 cá nhân). Tổng số tiền thu về từ đợt bán đấu giá này là 45 tỷ đồng, khoản chênh lệch 30 tỷ đồng so với tổng giá trị vốn góp ban đầu được xác định là 15 tỷ đồng. Như vậy có thể hiểu, giá trị góp vốn bằng lợi thế quyền thuê đất của Vinafood 2 tại dự án 132 Bến Vân Đồn vào Vĩnh Hội chỉ vỏn vẹn 15 tỷ đồng.

Sau đó, Khu đất 132 Bến Vân Đồn được bán lại cho Công ty Phát Đạt với giá gần 900 tỷ đồng. Cụ thể, theo Báo cáo tài chính năm 2016 của Công ty Phát Đạt, vào ngày 8/12/2015, Phát Đạt đã ký kết Hợp đồng hợp tác đầu tư có thời hạn 3 năm với tổng giá trị là 883 tỷ đồng với Công ty Trường Phát Lộc liên quan đến việc phát triển dự án tọa lạc tại khu “đất vàng” 132 Bến Vân Đồn.

Trong khi đó, số tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước chỉ là gần 112,5 tỷ đồng. Vấn đề đáng nói ở đây, với số tiền chuyển nhượng gần 900 tỷ đồng trừ con số 112,5 tỷ đồng nộp ngân sách còn gần 800 tỷ đồng chênh lệch rơi vào tay ai? Con số thất thoát ngân sách nhà nước trong vụ chuyển nhượng lòng vòng này do ai chịu trách nhiệm?

Liên quan đến dự án nói trên, mới đây Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Bộ Công an ban hành công văn số 3815/CSKT-P5 gửi Công ty Phát Đạt ngày vào 16/11 đề nghị Công ty CP Bất động sản Phát Đạt cung cấp thông tin liên quan như sau:

Hồ sơ pháp lý của Công ty Phát Đạt.

Hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc ký kết, thực hiện hợp đồng nhận chuyển nhượng cổ phần của CTCP Đầu tư Phát triển Vĩnh Hội hoặc nhận chuyển nhượng dự án tại khu đất số 132 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TP.HCM; hồ sơ góp vốn đầu tư thực hiện dự án tại khu đất trên và nguồn tiền thực hiện.

Hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án tại khu đất số 132 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TP.HCM.

Danh sách, vai trò từng cá nhân tại Công ty có liên quan đến việc nhận chuyển nhượng và triển khai, thực hiện dự án tại khu đất trên.

Phản ứng của Phát Đạt về công văn nói trên phía công ty phủ nhận mình không liên quan đến Vinafood 2 cũng như Vĩnh Hội.

Đến đây, câu hỏi được đặt ra là tại sao Nguyễn Kim, Phát Đạt là những công ty tư nhân lại có thể hô biến khu đất công tại 132 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TP.HCM thành đất thương mại dễ dàng đến vậy? Những thất thoát gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước lớn đến mức nào và ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc này?

AN NHIÊN