Trần Dương

Hàng loạt các nhà đầu tư quốc tế đổ tiền mua bán lại các dự án bất động sản

Admin

Nguồn cung nhà ở đang sụt giảm mạnh trong một vài năm gần đây càng khiến động thái mua bán sáp nhập các dự án bất động sản nhà ở của khối ngoại diễn ra mạnh mẽ.

Dù tình hình khó khăn nhưng thị trường bất động sản vẫn diễn ra những thương vụ mua bán, sáp nhập. CapitaLand Development (CLD), chi nhánh của CapitaLand vừa thông báo thoái vốn tại Capital Place, toà nhà văn phòng hạng A tại Hà Nội với giá 751 triệu đô la Singapore (550 triệu USD).

Capital Place được CVCVF mua lại vào năm 2018. Năm 2020, toà nhà văn phòng được khai trương, toạ lạc tại vị trí chiến lược ngay trung tâm quận Ba Đình. Dự án thuộc phân khúc hạng A có diện tích cho thuê thực là 100.000 m2 với hai toà tháp văn phòng cao 37 tầng.

Viva Land cho biết, thông qua các đơn vị liên kết, doanh nghiệp này đã chính thức sở hữu tòa nhà Capital Place và sẽ tham gia điều hành tòa nhà văn phòng hạng A này tại Hà Nội.

Mới đây, Keppel Land ký một thoả thuận ràng buộc với CTCP Địa ốc Phú Long để mua 49% cổ phần trong 3 khu đất tại khu đô thị Bắc An Khánh – Mailand Hanoi City với tổng giá trị 2.715 tỷ đồng. Thỏa thuận này đánh dấu thương vụ mua lại đầu tiên của Keppel Vietnam Fund kể từ khi công ty đạt được mức quỹ 400 triệu USD vào năm 2020.

Ba khu đất có tổng diện tích 14,2 ha bao gồm hai khu được quy hoạch để phát triển nhà ở thấp tầng và một khu dành cho chung cư cao tầng. Giao dịch dự kiến được thực hiện vào quý III/2022.

Một trong những yếu tố thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào bất động sản là tầng lớp trung lưu và thượng lưu tại Việt Nam ngày càng tăng

Một thương vụ khác là việc Nishi Nippon Railroad đã mua lại phần vốn góp của Công ty cổ phần đầu tư Nam Long tại Công ty TNHH Một thành viên Paragon Đại Phước. Nishi Nippon Railroad còn hợp tác với Tập đoàn Nam Long phát triển dự án nhà ở tại Long An với mức giá chỉ trên dưới một tỷ đồng một căn nằm tại cửa ngõ dẫn vào khu đô thị Waterpoint 355 ha.

Công ty Aseana Properties Ltd. đã bán cổ phần tại Bệnh viện Quốc tế City cho một đối tác liên doanh với tổng giá trị khoảng 95 triệu USD. Tập đoàn Ascott Ltd. (Capitaland) mua lại tổ hợp 364 căn hộ Somerset Metropolitan West Hanoi với giá khoảng 93 triệu USD. Tập đoàn Matrix Holding Limited ghi nhận mua dự án tại Đà Nẵng với giá 15,5 triệu USD.

Năm 2021, Vinhomes đã hoàn tất bán việc dự án Grand Park giai đoạn 2 (quận 9, TPHCM) cho Mitsubishi và Nomura Real Estate. Giá trị thương vị ước khoảng 11.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng đã hoàn tất chuyển nhượng tòa văn phòng 37 tầng tại Vinhomes Metropolis (Hà Nội) cho CapitaLand với giá trị khoảng 6.800 tỷ đồng. Vinhomes cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc bán buôn dự án Grand Park giai đoạn 3 cho Mitsubishi, Nomura Real Estate, ước tính khoảng 12.100 tỷ đồng).

Hồi đầu tháng 12-2-21, tại phiên đấu giá đất Thủ Thiêm cũng có sự tham gia của nhà đầu tư ngoại đó là Capital One Financial. Công ty này ra giá 23.800 tỷ đồng cho lô đất nhưng không trúng đấu giá.

Các thương vụ M&A thường được thực hiện thông qua hình thức M&A công ty dự án. Việc chuyển nhượng dưới hình thức chuyển nhượng tài sản chủ yếu được thực hiện với các tài sản đã vận hành.

Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam, nhận định dù tác động của đại dịch đến nền kinh tế khá nặng nề nhưng thị trường bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt ở phân khúc nhà ở. Một trong những yếu tố thu hút nhà đầu tư nước ngoài là tầng lớp trung lưu và thượng lưu tại Việt Nam ngày càng tăng, cơ sở thúc đẩy nhu cầu về nhà ở trên khắp cả nước.

Theo đánh giá của ông Neil MacGregor, nguồn cung nhà ở đang sụt giảm mạnh trong một vài năm gần đây càng khiến động thái mua bán sáp nhập các dự án bất động sản nhà ở của khối ngoại diễn ra mạnh mẽ. Điều này cho thấy sự chuẩn bị nguồn cung sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng tiềm năng khi trạng thái bình thường mới được thiết lập.

Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, để thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục phát triển, tạo đà thu hút nhiều vốn FDI trong năm 2022, các cơ quan chức năng cần tiếp tục duy trì nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư một cách hợp lý để Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Việc xác định chính xác và tìm cách giải quyết nhanh chóng các vấn đề lớn của thị trường trong nước sẽ giúp khơi thông các nút thắt trong thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản.

Việc các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên cũng cần có những chế tài đủ mạnh để các chủ đầu tư này không ôm đất để dự án bỏ hoang, gây nhiều hệ luỵ cho thị trường.

Anh Tú