Trần Dương

Giá đất tăng vọt vì thông tin huyện Bình Chánh lên quận

Admin

Quá trình đô thị hoá diễn ra rất nhanh tại Bình Chánh, hàng trăm dự án đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở.

UBND huyện Bình Chánh phối hợp với Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM tổ chức hội thảo "Tiềm năng phát triển đô thị và định hướng lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình Chánh đến năm 2040” vào ngày 21/11/2021.

Xây dựng lộ trình đưa huyện lên quận

Theo ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, tại Đại hội Đảng bộ huyện Bình Chánh (khi ông còn làm bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh), Ban chấp hành Đảng bộ có đưa ra mục tiêu nhưng có lộ trình để đưa huyện Bình Chánh lên quận hoặc thành phố. Tuy nhiên, lúc đó Bình Chánh xác định phải mất ít nhất 2 nhiệm kỳ (10 năm) để làm việc này. Bởi với cơ sở hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất của Bình Chánh hiện nay còn rất nhiều việc để làm mới đảm bảo các tiêu chí.

Mô hình chính quyền địa phương theo đơn vị hành chính huyện, xã không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và tốc độ đô thị hoá của huyện. Do đó, trong thời gian tới việc lập đề án chuyển huyện Bình Chánh thành quận giai đoạn 2021 – 2030 là một trong những chương trình đột phá đổi mới phát triển huyện Chánh đã được Đại hội thông qua.

Ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM

Do đó, ông Trần Hoàng Quân đề nghị huyện Bình Chánh khi đưa ra lộ trình, kế hoạch đưa huyện lên quận hoặc thành phố phải hết sức cân nhắc. Lý do, dù các cơ quan chưa thực hiện gì nhưng giá đất trong dân đã tăng làm ảnh hưởng đến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, đồng thời gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tham gia cùng huyện chỉnh trang đô thị.

"Cách đây 6 tháng, giá đất tại khu vực xã Bình Lợi khoảng 2 tỷ đồng/công, bây giờ có thông tin huyện lên quận/thành phố đất lại tăng lên cao. Chúng ta có nhiều dự án công cộng, phúc lợi mà người dân họ nghe từ huyện lên quận, thành phố giá đất sẽ tăng, làm khó khăn khi giải phóng mặt bằng. Do vậy, cần công bố công khai lộ trình cho dân biết", ông Trần Hoàng Quân nói.

Bí thư Huyện uỷ Bình Chánh Trần Văn Nam cho biết, trong giai đoạn vừa qua, quá trình đô thị hoá tại Bình Chánh diễn ra nhanh, dân số tăng cơ học luôn ở mức cao, trung bình 30.000 người/năm; dự báo lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, trật tự đô thị, môi trường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn và còn diễn biến phức tạp.

Trong khi đó đồ án quy hoạch chung của huyện từ năm 2012 hiện nay không còn phù hợp, bất cập trong sự phát triển của huyện. Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 và quy hoạch xây dựng nông thôn mới chồng chéo. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện xác định mục tiêu chuyển huyện thành quận, dự kiến giai đoạn 2021-2030.

Giữ đất trồng lúa là không phù hợp

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, thành phố đã đề nghị Chính phủ cho phép chỉ giữ lại 15 ngàn ha đất trồng lúa. Tùy vào thực tế cho phép sử dụng loại hình nông nghiệp phù hợp. UBND huyện cần xem đó là lợi thế để phát triển địa phương.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, định hướng của TP.HCM đến năm 2030 đất nông nghiệp chỉ chiếm 39% diện tích đất tự nhiên. Như vậy, đối chiếu lại các huyện còn đất nông nghiệp chỉ giữ lại đất để làm nông nghiệp công nghệ cao, không còn trồng lúa.

Bình Chánh còn mấy trăm hecta đất quy hoạch để đảm bảo an ninh lương thực, nhưng đang bỏ hoang.

“Trong báo cáo Sở TN-MT trình Thành phố để xin Chính phủ có nội dung kiến nghị TP.HCM không còn trồng lúa nước trên địa bàn. Như vậy trên 15 ngàn ha đất trồng lúa nước trên địa bàn của Thành phố sẽ được xin sử dụng cho các loại hình nông nghiệp phù hợp với nông nghiệp đô thị. Đây là cơ hội để Bình Chánh điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất”, ông Thắng cho biết.

Để đạt được những mục tiêu trong quy hoạch phát triển thì các cơ quan ban ngành liên quan phải đề xuất làm sao để không còn đất an ninh lương thực trên địa bàn huyện Bình Chánh. Hiện Bình Chánh còn mấy trăm hecta đất quy hoạch để đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng trên thực tế, đất này không trồng lúa, có nơi để hoang hóa, lau sậy mọc đầy.

"Nói về trồng lúa, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trồng phù hợp hơn. Nếu giữ đất an ninh lương thực ở TPHCM như hiện nay vừa khó trồng được lúa, vừa dẫn đến quy hoạch treo, người dân trong khu vực cũng không xây dựng được", ông Trần Hoàng Quân nói. Ông Quân cho biết ông đã đề xuất lãnh đạo thành phố có ý kiến để không còn đất an ninh lương thực trên địa bàn huyện Bình Chánh.

Kim Điền