Trần Dương

FLC bị buộc phải chi 276 tỷ đồng để bồi thường cho Tập đoàn Hòa Bình trong vụ kiện liên quan đến dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn

Admin

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa công bố thông tin chính thức thắng kiện CTCP Tập đoàn FLC (FLC), buộc FLC phải thanh toán số tiền nợ hơn 276 tỷ đồng.

Vụ kiện liên quan đến hai hợp đồng xây dựng công trình (Hợp đồng 57 và Hợp đồng 18) mà FLC ký với HBC lần lượt vào tháng 10 và tháng 12 năm 2014.

Theo đó, công ty Luật TNHH ALB & Partners đã thay mặt và đại diện HBC tham gia phiên tòa xét xử sơ thẩm và phiên họp giải quyết tranh chấp.

FLC bị buộc phải chi 293 tỷ đồng để bồi thường cho Tập đoàn Hòa Bình liên quan dự án FLC Sầm Sơn.

Nguyên nhân của vụ kiện được phía Hòa Bình thông báo: “Để thực hiện 02 Hợp đồng nêu trên, chỉ trong vỏn vẹn 09 tháng, HBC đã huy động tối đa nhân lực, vật lực để thi công liên tục, tăng ca không ngừng nghỉ kể cả dịp Tết Nguyên đán nhằm bảo đảm chất lượng và hoàn thành tiến độ gắt gao theo yêu cầu của FLC. Công trình đã kịp khánh thành và phục vụ cho năm Du lịch Quốc gia tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, được tổ chức vào tháng 7 năm 2015.”

Tuy nhiên, đến năm 2016, HBC đã gửi hồ sơ quyết toán cho Hợp đồng 18 và Hợp đồng 57. Sau đó, rất nhiều công văn yêu cầu FLC phê duyệt hồ sơ quyết toán đã được gửi đi nhưng HBC vẫn không nhận được sự hợp tác thiện chí từ phía FLC.

Liên quan đến Hợp đồng 57, ALB & Partners cho biết tòa án đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của HBC về việc buộc FLC thanh toán cho HBC khoản nợ còn thiếu phát sinh tổng giá trị 42 tỷ đồng. Đồng thời, tòa án cũng bác toàn bộ yêu cầu phản tố của FLC với số tiền là 2,29 tỷ đồng.

Hiện tranh chấp liên quan đến Hợp đồng 57 đang tiếp tục được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội theo đơn kháng cáo của FLC.

Liên quan đến Hợp đồng 18, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, chi nhánh TP HCM (VIAC) đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của HBC, buộc FLC phải thanh toán cho HBC số tiền số tiền gần 235 tỷ đồng.

“Phán quyết có giá trị chung thẩm, ràng buộc các bên và có hiệu lực từ ngày 11/11/2020. Ngoài ra, trong trường hợp FLC không thực hiện thanh toán số tiền nêu trên quá 30 ngày kể từ ngày phán quyết có hiệu lực, FLC còn phải thanh toán tiễn lãi do chậm thanh toán với mức lãi suất 12%/năm (đối với số nợ gốc 163 tỷ đồng) và 10%/năm (đối với số tiền còn lại).”, văn bản của ALB & Partners khẳng định.

Báo cáo tài chính quý 4/2020 công ty mẹ FLC ghi nhận tại thời điểm 31/12/2020 tổng số tiền và tương đương tiền 293 tỷ đồng.

Như vậy, với số tiền phải trả cho Hòa Bình, đây là con số lớn và thách thức cho FLC.

Năm 2020, công ty mẹ của FLC đạt doanh thu thuần 4.413 tỷ đồng, lợi nhuận ròng hơn 28 tỷ đồng.

AN NHIÊN