Theo đó, Bamboo Airways tập trung tăng tần suất khai thác trên các đường bay trục chính Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, giữa Hà Nội/TP. Hồ Chí Minh với Đà Nẵng và các đường bay địa phương có nhu cầu cao như TP. Hồ Chí Minh - Vinh/Thanh Hóa/Hải Phòng.
“Việc thuê bổ sung thành công 2 tàu bay vào đội tàu bay khai thác từ ngày 01/01/2024 và tăng tải cung ứng phục vụ cao điểm Tết khẳng định nỗ lực phục hồi của Bamboo Airways bằng những hành động cụ thể, quyết liệt.”, đại diện Bamboo Airways chia sẻ.
Theo kế hoạch, trong năm 2024, Bamboo Airways sẽ tiếp tục thuê thêm tàu bay A320/A321, nâng đội tàu bay khai thác lên 15 - 18 chiếc, tập trung củng cố mạng đường bay nội địa, kết hợp khai thác thuê chuyến quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg vào cuối tháng 11/2023, ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo chia sẻ, hãng đã trả lại 19 chiếc máy bay (bao gồm 3 chiếc Boeing 787) cho các công ty cho thuê máy bay. Như vậy, hãng chỉ còn 11 chiếc máy bay của Airbus SA và Embraer SA. Ngoài ra, hãng cũng đã cắt giảm 80% mạng lưới bay.
Ông Nam cũng cho biết thêm để cải thiện tính hiệu quả, Bamboo Airways dự định chỉ dùng máy bay Airbus và cũng đặt mục tiêu tăng số lượng máy bay lên 30 chiếc trong vòng 3-4 năm tới.
Hãng cũng đang cố gắng giảm bớt số nợ 11.000 tỷ đồng (tương đương 454 triệu USD) và đang thảo luận với các ngân hàng về nguồn tài trợ. Trong năm 2022, Bamboo Airways lỗ ròng 17.600 tỷ đồng, phần lớn vì phải trích lập dự phòng nợ xấu.
Trong bối cảnh số chuyến bay giảm mạnh, nợ ngày càng chồng chất, Bamboo Airways đã chấm dứt hợp đồng với các phi công nước ngoài và cắt giảm 60% chi phí lao động vào cuối tháng 3/2023.
AN NHIÊN