Trần Dương

Bà Thái Hương, Chủ tịch TH Milk và câu chuyện làm cách mạng trong ngành nông nghiệp: đầu tư trang trại bò sữa 1,2 tỷ USD với tổng đàn 45.000 con

Đánh giá một dự án đầu tư vào nông nghiệp, doanh nhân Thái Hương cho rằng sự thành công của dự án nằm chính ở việc đưa đời sống người nông dân đi lên, giúp họ làm giàu, cải thiện chất lượng cuộc sống. Còn để có thể thực hiện được những bước tiến mang tính "cách mạng" trong nông nghiệp thì cần những con người thật sự dám đương đầu với các khó khăn, thử thách.

1,2 tỷ USD và kỷ lục trang trại công nghệ cao lớn nhất châu Á

Nhắc lại những thành tựu tập đoàn TH (đơn vị sở hữu thương hiệu TH true MILK) đã đạt được, bà Thái Hương - Nhà Sáng lập và Chủ tịch Hội đồng Chiến lược của TH nhận định, đó là nhờ sự nỗ lực của nhà đầu tư trước một lĩnh vực rất khó khăn là nông nghiệp, trước bối cảnh (lúc TH ra đời) đã có hàng trăm nhãn mác sữa, mà thương hiệu sữa TH true MILK vẫn nổi bật về chất lượng và được tin dùng, có những bước đi ngoạn mục đến vậy. Nhưng ngoài nỗ lực của nhà đầu tư thì sự vào cuộc của chính quyền địa phương là đặc biệt quan trọng.

Theo bà Thái Hương, thực tế triển khai các dự án cho thấy, dù là dự án tại Nghĩa Đàn (Nghệ An), cho đến dự án tại Hà Giang, Kon Tum, hay mới đây nhất là nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược tại Sơn La, ngoài những nỗ lực của nhà đầu tư thì sự vào cuộc của chính quyền đã có vai trò rất lớn trong sự thành công của dự án.

Bà Thái Hương, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn TH Milk

“Chính quyền cần truyền thông cho người dân để đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm ra những nguyên liệu tươi sạch cung cấp cho nhà máy chế biến. Chúng tôi gọi đó là hợp tác xã kiểu mới. Thông qua doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới giúp kết nối nông dân và doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ làm thị trường, sẽ ứng dụng khoa học kỹ thuật để hướng dẫn cho bà con”, nhà sáng lập Tập đoàn TH cho hay.

Cách đây hơn 10 năm, ở Việt Nam, 92% sản phẩm sữa trên thị trường sữa là sản phẩm sữa hoàn nguyên (nhập khẩu sữa bột – chủ yếu từ Trung Quốc về pha lại) - tức doanh nghiệp nhập sữa bột về, pha chế thành sữa nước chứ không phải sữa tươi thu hoạch từ trang trại bò sữa. Chính điều đó đã khiến doanh nhân Thái Hương từng rất trăn trở trước vấn nạn an toàn thực phẩm, khi sự vô cảm và lòng tham của con người đã dần xen lấn trong đời sống thường nhật.

Và rồi sự cố sữa nhiễm melamine của Trung Quốc năm 2008 xảy ra, với nguy cơ hàng triệu triệu trẻ em bị ảnh hưởng tới sức khỏe - chảy máu thận. Đó chính là đỉnh điểm khiến bà đi đến quyết định đầy táo bạo “Tự làm sữa tươi dành cho người Việt”.

Nói là làm, bà Thái Hương đã khẩn cấp có cuộc họp Hội đồng quản trị và ra quyết định “làm sữa ngay trên đồng đất quê hương mình”. Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao có quy mô lên tới 1,2 tỷ USD nơi miền quê xứ Nghệ ra đời. Bảy tháng sau, đàn bò đã cho dòng sữa tươi sạch đầu tiên. Sau 14 tháng kể từ ngày khởi công xây dựng, ngày 26/12/2010 - sản phẩm sữa TH true MILK đến với người tiêu dùng.

Chỉ sau 5 năm, năm 2015, TH true MILK đã có đàn bò sữa quy mô 45.000 con, được xác nhận “Kỷ lục Trang trại Chăn nuôi bò sữa Tập trung Công nghệ cao Lớn nhất Châu Á”. TH true MILK ra đời và đã góp phần thay đổi bản chất ngành sữa Việt Nam, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong ngành chăn nuôi để gia tăng đàn bò sữa trong nước, tăng sản lượng sữa tươi thật và tỷ trọng sản phẩm sữa tươi (không phải sữa hoàn nguyên) trên thị trường sữa Việt Nam; giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn sản phẩm tốt cho sức khỏe từ ngay đồng đất Việt Nam.

Trang trại bò sữa được đầu tư lên đến 1,2 tỷ USD có tổng đàn 45.000 con xác lập kỷ lục châu Á

Người đứng đầu TH cũng cho biết, Tập đoàn đã sử dụng công nghệ 4.0 để sản xuất sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý… được thị trường đón nhận. TH hiện có mức tăng trưởng ở mức hai con số trong bối cảnh ngành sữa không còn nhiều dư địa tăng trưởng.

 Sau thành công của dự án sữa, bà Thái Hương tiếp tục đầu tư vào sản xuất nông sản sạch như rau sạch, dược liệu sạch, tiếp tục chiếm lĩnh lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới nông dân, nông thôn.

Tập đoàn TH đã và đang khai thác triển khai dự án trồng dược liệu và thảo dược trên toàn quốc với diện tích trên 15.000 ha. Với định hướng chiến lựơc và tầm nhìn sâu rộng, TH đang góp phần tạo dựng, lưu giữ hệ sinh thái rừng và làm kinh tế dưới tàn rừng theo 2 phương cách: Bảo tồn và canh tác các thảo dược theo hướng hữu cơ dưới tán rừng, cải thiện sinh kế cho người dân các vùng sâu, vùng xa bằng cách làm kinh tế dưới tán rừng,...

Đánh giá sự thành công của TH, doanh nhân Thái Hương cho rằng sự thành công của dự án nằm chính ở việc đưa đời sống người nông dân đi lên, giúp họ làm giàu, cải thiện chất lượng cuộc sống.

“So với 10 năm trước (khi chưa có dự án sữa của TH), đến nay Nghĩa Đàn đã sầm uất hơn nhiều, người nông dân đã có của ăn của để, có tiền tiết kiệm để trong tài khoản, sau khi TH đầu tư, bà con ở đây đã trở thành những công dân của thời đại 4.0, thời đại công nghệ cao”, bà Hương chia sẻ.

Dấu ấn trên trường quốc tế

Trong hành trình 10 năm phát triển, các sản phẩm của Tập đoàn TH đã giành giải thưởng Thương hiệu Quốc gia, giải thưởng Chất lượng Quốc gia; đã tham dự nhiều triển lãm, hội chợ Thực phẩm Quốc tế lớn và đã đạt được nhiều giải thưởng cho các dòng sản phẩm chất lượng cao cấp hoàn toàn từ thiên nhiên.

Tại Liên bang, TH hiện đã xây dựng dự án chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa và một số dự án thực phẩm khác có mức đầu tư 2,7 tỷ USD trong vòng 10 năm. Dự án này hiện đang trải dài trên đất nước Nga, bao gồm:tỉnh Moscow, tỉnh Kaluga, Cộng hòa Bashkortostan và tỉnh Primorye (vùng Viễn Đông).

Dự án được triển khai theo 3 giai đoạn. Khi hoàn thành Dự án, tổng số đàn bò sữa dự kiến là 350.000con, tổng công suất chế biến sữa là 5.900 tấn/ngày, tương đương gần 1.800.000 tấn/năm. Tổng diện tích vùng nguyên liệu tập trung là 140.000 ha. Với hình thức đầu tư sản xuất theo chuỗi khép kín: đồng cỏ - chăn nuôi bò sữa - chế biến sữa - phân phối, Tập đoàn TH dự kiến thành lập chuỗi phân phối với 300 cửa hàng TH True Mart trên toàn nước Nga.

Bà Thái Hương, Chủ tịch tập đoàn TH Milk cắt băng khánh thành trang trại bò sữa tại huyện Volokolamsk

Tại tỉnh Moscow, Tập đoàn TH có kế hoạch xây dựng 3 cụm trang trại với vùng nguyên liệu trên 30.000 ha. Hiện nay, cụm trang trại thứ nhất tại huyện Volokolamsk đã được khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 1/2018 với đàn bò cao sản thuần chủng Holstein nhập khẩu từ Mỹ. Trang trại vẫn đang được tiếp tục đầu tư mạnh mẽ, dự kiến cuối năm 2020 sẽ hoàn thiện.

Cụm trang trại thứ 2 tại huyện Shatura, tỉnh Moscow cũng bắt đầu xây dựng vào năm 2020. Cùng lúc đó, Nhà máy chế biến sữa tại tỉnh Kaluga đang được xây dựng.

Là doanh nhân Việt Nam đầu tiên đặt bút ký cam kết thực hiện các tiêu chuẩn hữu cơ của Châu Âu và Mỹ áp dụng cho sản xuất, chế biến “loại sữa tươi sạch đạt đẳng cấp hàng đầu thế giới”, nữ doanh nhân Thái Hương góp phần làm đẹp hơn hình ảnh Việt Nam cũng như ghi dấu ấn của sữa Việt trên bản đồ sữa thế giới.

“Tôi bước chân vào con đường này cũng là bởi nhân duyên và thực sự không có thước phim nào, không có cuốn sách nào ghi nhận đủ những gì doanh nghiệp chúng tôi đã trải qua”, bà Thái Hương bộc bạch.

Nữ doanh nhân Thái Hương cũng từng chia sẻ, giá trị của việc ứng dụng công nghệ cao và khoa học quản trị tiên tiến là tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, vì sức khỏe của cộng đồng. Sức khỏe cộng đồng sẽ làm nên tầm vóc và sức mạnh của dân tộc.