SEAPRODEX hàng loạt công ty con lỗ trong năm 2022 khiến kế hoạch lợi nhuận năm 2023 giảm đến 26%

Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam (SEAPRODEX) - CTCP (UPCoM: SEA) đánh giá 2023 là năm khó khăn và đặt mục tiêu tổng doanh thu và lãi trước thuế 2023 đạt lần lượt gần 167 tỷ đồng và hơn 79 tỷ đồng, giảm gần 23% và 26% so với kết quả năm 2022.

Lý giải về mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đi lùi, lãnh đạo công ty cho hay: các nguồn thu chủ yếu của Tổng Công ty trong tình trạng bấp bênh, suy giảm ngày càng trầm trọng, bao gồm: doanh thu cổ tức, trong đó cổ tức được chia từ CTCP Việt - Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) chiếm tỷ trọng lớn nhất; doanh thu khai thác tài sản cố định, trong đó chủ yếu là doanh thu khai thác mặt bằng 2-4-6 Đồng Khởi và 21 Ngô Đức Kế; lãi tiền gửi ngân hàng.

Theo đó, là những nguồn đem lại doanh thu và lợi nhuận chủ yếu cho Tổng Công ty để đảm bảo duy trì hoạt động và thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, trong trường hợp có những yếu tố khách quan ngoài dự kiến làm ảnh hưởng đến các nguồn thu chủ yếu trên, đặc biệt là nguồn cổ tức từ Proconco (được xây dựng kế hoạch là 7%) thì sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, từ năm 2022, danh mục đầu tư của Tổng Công ty xuất hiện thêm một số doanh nghiệp có tình hình diễn biến xấu.

Cụ thể, tại CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Hà Nội, năm 2022 tiếp tục lỗ gần 5 tỷ đồng - năm thứ 2 liên tiếp bị lỗ. Số liệu Bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12/2022 của Công ty này bắt đầu xuất hiện khoản lỗ lũy kế với giá trị gần 3 tỷ đồng.

Năm 2023, Xuất nhập khẩu Thủy sản Hà Nội đưa ra kết quả SXKD dự kiến tiếp tục giảm, thậm chí trong trường hợp xấu nhất là Công ty bị áp dụng mức thuế kinh doanh thương mại đối với khu đất Ngụy Như Kon Tum nếu không thu hồi được công nợ quá hạn thì sẽ gây ra những khoản lỗ rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khoản vốn đầu tư của Tổng Công ty.

Hoặc tại SEAREFICO, đây là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, Công ty ghi nhận khoản lỗ 2022 hơn 141 tỷ đồng; dự kiến với những khó khăn chung của ngành xây dựng như hiện nay thì năm 2023 cũng sẽ vô cùng khó khăn; các khoản nợ của khách hàng dự kiến tiếp tục tạo ra áp lực tài chính nghiêm trọng đối với Công ty và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh năm tới.

Về mảng kinh doanh bất động sản, SEA cho biết Tổng Công ty tiếp tục hoàn thiện pháp lý đất đai tại các địa phương TPHCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng trên cơ sở các phương án sử dụng đất đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt khi thực hiện cổ phần hóa và cho phép tiếp tục sử dụng khi tiến hành rà soát và phê duyệt theo Nghị định 67/2021/NĐ-CP. Công ty có kế hoạch đầu tư vốn cụ thể tại một số dự án như sau:

Đối với dự án tại Khu đất số 78-80-82 Thùy Vân, Bà Rịa - Vũng Tàu, SEA đang phân kỳ đầu tư và thực hiện trong năm 2023 gần 35 tỷ đồng.

Với dự án tại Khu đất số 7 Nơ Trang Long, Quận Bình Thạnh, TPHCM, Tổng Công ty cũng đang phân kỳ đầu tư với mức đầu tư 2023 dự kiến xấp xỉ 6 tỷ đồng.

Với dự án tại Khu đất số 2 Ngô Gia Tự, quận Long Biên, Hà Nội, SEA sẽ tiếp tục triển khai công việc theo chỉ đạo của HĐQT Tổng Công ty.

Được biết, năm 2022 SEA sẽ không chia cổ tức đối với phần lợi nhuận nói trên mà giữ lại để tiếp tục duy trì hoạt động và phát triển sản xuất, kinh doanh.

AN NHIÊN