Trần Dương

ACB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.400 tỷ đồng lên 27.019 tỷ đồng

ACB tăng vốn điều lệ thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

ACB cho biết mức tăng này tương đương hơn 25% so với số vốn hiện nay của ngân hàng là 21.615 tỷ đồng. Hình thức tăng vốn được chấp thuận là phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

Theo kế hoạch, ACB sẽ phát hành thêm hơn 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tương đương giá trị phát hành theo mệnh giá đạt trên 5.400 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành sẽ được lấy từ lợi nhuận để lại sau khi trích lập các quỹ và lợi nhuận các năm trước tính đến cuối năm 2020.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2020, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối có thể dùng để chia cổ tức của ACB lên tới 7.819 tỷ đồng.

Cùng với kế hoạch tăng vốn này, ACB ước tính tổng tài sản cả năm nay sẽ tăng khoảng 10%, đạt gần 490.000 tỷ đồng vào cuối năm.

Việc tăng vốn điều lệ nhằm mục đích đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN và đáp ứng các nhu cầu vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ. Nguồn vốn tăng thêm cũng sẽ được sử dụng để cải tạo, đầu tư mới các dự án chiến lược giai đoạn 2019-2024.

Cùng với kế hoạch tăng vốn này, ACB ước tính tổng tài sản cả năm nay sẽ tăng khoảng 10%, đạt gần 490.000 tỷ đồng vào cuối năm. Các chỉ tiêu tiền gửi khách hàng và tín dụng dự kiến đều tăng 9% so với năm 2020 và tỷ lệ nợ xấu dưới 2% tổng dư nợ.

Với các chỉ tiêu này, ACB kỳ vọng thu về khoản lợi nhuận trước thuế 10.602 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020 và là lần đầu tiên vượt mốc chục nghìn tỷ. ACB cũng dự kiến duy trì mức chia cổ tức 25% bằng cổ phiếu trong năm 2021.

Theo báo cáo tài chính quý I năm nay, ngân hàng này đã thu về 3.104 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, ACB đã hoàn thành 29% kế hoạch lợi nhuận sau 1/4 năm tài chính 2021.

Đến cuối tháng 3, tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 449.500 tỷ đồng, tăng 1,1% so với đầu năm. Trong khi chỉ tiêu dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,1%, đạt trên 324.300 tỷ đồng, thì tiền gửi khách hàng lại giảm 0,3%, hiện ở mức 352.200 tỷ.

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng đến cuối quý I ở mức 0,92%, tăng so với mức 0,6% hồi cuối năm 2020.

K.Đ