Tiki được định giá hơn 600 triệu USD

Tiki phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 13%/năm, tài sản đảm bảo gồm hơn 2,1 triệu cổ phần, tương đương hơn 600.000 đồng/cổ phiếu. 4 năm lỗ ròng, công ty vẫn được định giá hơn 600 triệu USD.

1.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 13%/năm

Công ty Cổ phần TiKi, doanh nghiệp sở hữu sàn thương mại điện tử cùng tên, vừa thông báo phát riêng lẻ lô trái phiếu với tổng khối lượng 1.000 tỷ đồng thành công. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 100 triệu đồng cùng kỳ hạn 2 năm, lãi suất cố định 13%/năm. Trái chủ nhận lãi định kỳ mỗi tháng một lần. Mức lãi suất của trái phiếu do Tiki phát hành cao hơn so với mặt bằng chung thị trường.

Tổng cộng 139 nhà đầu tư gồm 2 tổ chức, 135 cá nhân trong nước và 2 cá nhân nước ngoài tham gia mua trái phiếu của Tiki. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mua hơn 90% khối lượng trái phiếu phát hành của sàn thương mại điện tử này.

Tài sản bảo đảm của số trái phiếu này gồm hơn 2,1 triệu cổ phần của Tiki. Doanh nghiệp này công bố theo chứng thư thẩm định giá của Công ty Định giá và Tư vấn Đầu tư Quốc tế, mỗi cổ phần của Tiki hiện có giá trị 602.839 đồng.

Như vậy, với gần 23 triệu cổ phần đang lưu hành, định giá sàn thương mại điện tử này tương ứng 13.859 tỷ đồng, khoảng 602 triệu USD. Riêng số cổ phần được đem ra làm tài sản đảm bảo có giá trị 1.300 tỷ đồng, tương đương 130% khoản gốc của lô trái phiếu phát hành riêng lẻ.

4 năm lỗ ròng

Tiki huy động 1.000 tỷ đồng trái phiếu để tăng quy mô vốn hoạt động, tài trợ cho các dự án đầu tư của công ty trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn trong cuộc chiến cạnh tranh gay gắt, doanh nghiệp tiếp tục chịu lỗ.

Cụ thể, năm 2019, công ty lỗ ròng hơn 1.760 tỷ đồng, năm 2018 lỗ hơn 750 tỷ đồng, năm 2017 lỗ hơn 280 tỷ đồng. Riêng năm 2020, theo báo cáo thường niên của VNG, Tiki lỗ 4 tỷ đồng.

Theo báo cáo về thị trường thương mại điện tử Việt Nam của iPrice, Tiki có 19 triệu lượt truy cập website bình quân mỗi tháng trong quý I, xếp thứ hai sau Shopee (63,7 triệu lượt/tháng). Tuy nhiên, về chỉ số lượt sử dụng ứng dụng di động thì Tiki chỉ đứng thứ 3 sau Shopee và Lazada.

Trong cơ cấu cổ đông của Tiki, nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu tới 49,4% cổ phần. Cổ đông ngoại lớn nhất là đại gia ngành thương mại điện tử của Trung Quốc JD với 18,2% cổ phần. Một số nhà đầu tư ngoại khác sở hữu lượng lớn cổ phần của sàn thương mại điện tử Việt Nam là Ubiquitous Traders với 9,9%, Success Elite Holdings với 4,5%, Finup Asia Investment với 3,7%, Sumitomo với 3,1%.

Việt Đức