Kido Group sát nhập hãng kem Merino về công ty mẹ vì việc thu hút nhà đầu tư và huy động vốn không hiệu quả

Tập đoàn Kido thông báo phát hành hơn 23 triệu cổ phiếu hoán đổi để thực hiện kế hoạch sáp nhập hãng kem merino vè lại tập đoàn. Thị phần tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ lên mức 43% của toàn ngành.

Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Kido (Kido Group) đã đăng ký phát hành 23,088 triệu cổ phiếu KDC để hoán đổi 17,76 triệu cổ phiếu KDF (tương ứng 32,69% cổ phần) do cổ đông không kiểm soát nắm giữ tại Công ty CP Thực phẩm đông lạnh Kido (Kido Foods).

Tỷ lệ này đúng bằng tỷ lệ hoán đổi 1:1,3 được ban lãnh đạo và cổ đông thông qua trước đó. Như vậy, mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu Kido Foods sẽ được nhận cổ tức đặc biệt là 3.000 đồng/cổ phiếu, và nhận thêm 1,3 cổ phiếu phát hành thêm từ Tập đoàn Kido.

Tại ngày chốt danh sách cổ đông thực hiện hoán đổi, toàn bộ 17,7 triệu cổ phần của Kido Foods sẽ thuộc sở hữu của Kido Group và cổ phiếu của ông chủ hãng kem Merino sẽ bị hủy đăng ký giao dịch trên sàn HNX và VSD.

Kido Foods sẽ chuyển từ công ty cổ phần sang công ty TNHH MTV do Kido Group sở hữu 100% vốn.

Trước thông tin nói trên, cổ phiếu KDF của Kido Foods đã tăng mạnh trên thị trường, hiện giao dịch ở mức 43.600 đồng/cổ phiếu, tăng 5,1% so với hôm qua. Trong khi đó, cổ phiếu KDC của Kido Group giao dịch ở 36.500 đồng/cổ phiếu, cũng tăng 0,7%.

Theo tỷ lệ hoán đổi, 1 cổ phiếu KDF lấy 1,3 cổ phiếu KDC, tương ứng cổ đông của Kido Foods ghi nhận khoản lãi tạm tính khoảng 3.850 đồng/cổ phiếu khi hoán đổi. Số này cộng thêm phần cổ tức đặc biệt 3.000 đồng/cổ phiếu được Kido Group chi trả sau sáp nhập thì tổng lợi nhuận tạm tính của cổ đông không kiểm soát tại Kido Foods là 6.850 đồng/cổ phiếu, tương đương 16% giá trị hiện tại của cổ phiếu KDF.

Chia sẻ về lý do sáp nhập Kido Foods về tập đoàn mẹ trước đó, lãnh đạo Kido Group cho biết việc đại chúng hóa Kido Foods với mục đích đa dạng cơ cấu cổ đông và thu hút nhà đầu tư chiến lược và dòng tiền trong, ngoài nước đã không đạt kỳ vọng sau 3 năm. Trong khi đó, cổ phiếu KDF giao dịch trên sàn UPCoM với thanh khoản khá thấp (bình quân 6.028 cổ phiếu/phiên), nhiều phiên không có mua bán. Cổ phiếu này cũng chưa phản ánh đúng vị thế của doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thực phẩm đông lạnh.

Bên cạnh đó, với tỷ lệ sở hữu 65%, Kido Group không thể tập trung toàn lực để hỗ trợ hãng sản xuất kem này tận dụng triệt để các lợi thế về tài chính, chiến lược. Vì vậy, ban lãnh đạo quyết định sáp nhập hãng kem này trở lại tập đoàn mẹ.

Về kết quả kinh doanh, 3 quý đầu năm nay, Kido Group ghi nhận 6.084 tỷ đồng doanh thu, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản lợi nhuận trước thuế công ty ghi nhận được là 337 tỷ đồng, tăng tới 49% và vượt chỉ tiêu cả năm.

Theo kế hoạch, sau sáp nhập Kido Group dự kiến doanh thu hợp nhất năm nay đạt 8.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt 253 tỷ đồng. Hai chỉ tiêu này trong năm 2021 sẽ tăng lên lần lượt đạt 10.800 tỷ và 607 tỷ đồng.

Về phần Kido Foods, ông chủ hãng kem này ghi nhận 1.089 tỷ đồng doanh thu sau 9 tháng, giảm 9%, tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế thu về vẫn tăng 15%, đạt 207 tỷ.

Theo đại diện doanh nghiệp, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành cũng như giảm mạnh thu nhập và sức mua của người tiêu dùng. Kéo theo đó, doanh thu của công ty từ kênh khách hàng trọng yếu, khu du lịch, nhà hàng, trường học… cũng sụt giảm mạnh.

Để ứng phó với giai đoạn này, Kido Foods đã thực hiện chuyển dịch kênh phân phối rút tủ kem từ các điểm du lịch, trường học… về gần khu phố, cửa hàng tiện lợi. Nhờ vậy, thị phần kem của công ty này tiếp tục tăng từ 41,4% lên 43,5%. Trong đó, riêng thương hiệu Merino chiếm 24,8% và thương hiệu Celano chiếm 17,4% thị phần.