Toàn bộ hội đồng quản trị và ban kiểm soát của Bamboo Airway từ nhiệm do liên quan đến khoản lỗ hơn 17.600 tỷ đồng?

CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) gần đây đã công bố tài liệu cho cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Trong đó, Bamboo Airways cho biết công ty đã nhận được đơn xin từ nhiệm của toàn bộ 5 thành viên HĐQT và 3 thành viên ban kiểm soát nhiệm kỳ 2019-2024.  

Cụ thể, 5 thành viên HĐQT gồm các ông: Nguyễn Ngọc Trọng, Doãn Hữu Đoàn, Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm và Nguyễn Mạnh Quân. 3 thành viên ban kiểm soát gồm: ông Trần Anh Tuấn, Phạm Văn Phùng và Nguyễn Đăng Khoa.

Ông Lê Thái Sâm đã cho Bamboo Airways vay tổng số tiền gốc và lãi là 7.727 tỷ đồng, không lãi suất hoặc lãi suất rất thấp, không tài sản đảm bảo.

Đáng chú ý, trong số 5 thành viên HĐQT từ nhiệm, ông Nguyễn Ngọc Trọng là Phó tổng giám đốc đầu tiên của Bamboo Airways và từng công tác tại Vietnam Airlines, sau đó nghỉ hưu vào đầu năm 2018. Ông được bầu làm Phó chủ tịch HĐQT Bamboo Airways từ ngày 18/4/2022.

Ông Trọng có bằng thạc sĩ khoa học. Năm 1975, ông bắt đầu công tác tại Vietnam Airlines. Đến tháng 9/2008 được bổ nhiệm làm trưởng ban kỹ thuật. Từ tháng 3/2012, ông là Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines. Ngoài ra, ông còn từng làm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH một thành viên Kĩ thuật Máy bay kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài. Ông đã hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không.

Ông Lê Thái Sâm là người đang sở hữu 231,74 triệu cổ phần của Bamboo Airways, tương đương 12,53% vốn điều lệ công ty. Đồng thời, tính đến ngày 10/4/2023, ông Sâm đã cho Bamboo Airways vay tổng số tiền gốc và lãi là 7.727 tỷ đồng (không lãi suất hoặc lãi suất rất thấp, không tài sản đảm bảo).

Bên cạnh đó, Bamboo Airways cũng công bố kết quả kinh doanh với doanh thu thuần hơn 11.732 tỷ đồng, gấp 3,3 lần doanh thu năm 2021 và khoản lỗ kỷ lục lên đến 17.619 tỷ đồng.

Câu hỏi được giới phân tích quan tâm lý do nào toàn bộ thành viên HĐQT và BKS lại đồng loạt từ nhiệm? Nhìn vào cơ cấu khoản lỗ của Bamboo Airways có thể lý giải được phần nào thắc mắc trên.

Cụ thể, các số liệu đã công bố cho thấy, đóng góp chính vào khoản lỗ của năm 2022 có đến 12.500 tỷ đồng là trích lập dự phòng phải thu khó đòi, được ghi nhận vào khoản mục chi phí quản lý doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là 731 tỷ đồng dự phòng đầu tư vào công ty liên kết, được ghi nhận vào chi phí tài chính. Như vậy còn lại khoảng 4.800 tỷ đồng là thực sự lỗ từ hoạt động kinh doanh chính hàng không của công ty.

Tổng giá gốc các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn của Bamboo Airways là hơn 21.700 tỷ đồng. Trong đó, phải thu về cho vay là gần 11.000 tỷ đồng, các khoản phải thu dài hạn khác là 7.900 tỷ đồng. Phần lớn các khoản cho vay, phải thu này đã phát sinh từ trước năm 2022. Do công ty không công bố thuyết minh báo cáo tài chính nên không rõ mục đích cũng như đối tượng của các khoản phải thu này.

 

Trong bối cảnh tình hình tài chính của công ty vốn đã khó khăn khi ngành hàng không vẫn chưa phục hồi sau covid thì việc công ty mang tới cả chục nghìn tỷ đồng để cho bên khác vay thực sự điều rất bất thường, bên cạnh đó còn là chục nghìn tỷ đồng phải thu khác.

Rủi ro của việc mang lượng tài sản quá lớn đi cho vay mượn đã hiện hữu ở việc số tiền không có khả năng thu hồi đã chiếm đến quá nửa.

Các khoản phải thu không phải là điều khó hiểu duy nhất trên bảng cân đối của Bamboo Airways. Tại thời điểm đầu và cuối năm 2022, công ty có khoản mục chứng khoán kinh doanh trị giá hơn 6.300 tỷ đồng – tức chiếm hơn 1/3 tổng tài sản hiện nay.

Hiện không rõ đây là khoản đầu tư vào tài sản gì và cũng chưa hề phải trích lập dự phòng. Ngoài ra, Bamboo Airways cũng sở hữu một khoản đầu tư bất động sản trị giá 1.400 tỷ đồng.

 

Như vậy có thể thấy dù có quy mô vốn và tài sản rất lớn, nhưng phần lớn tài sản của Bamboo Airways là các khoản cho vay, đầu tư tài chính, bất động sản… không hoặc có rất ít liên quan đến hoạt động kinh doanh hàng không của công ty.

Những tài sản này nhiều khả năng liên quan đến quá trình tăng vốn ồ ạt của Bamboo Airways từ 2.200 tỷ đồng vào tháng 9/2019 lên 18.500 tỷ đồng vào tháng 9/2021.

Một lượng lớn cổ phiếu Bamboo Airways hình thành từ quá trình tăng vốn này đã được dùng để thế chấp cho các khoản vay rồi sau đó đã được sang tên cho chủ nợ. Ngân hàng NCB hiện đang lên kế hoạch bán toàn bộ 203 triệu cổ phiếu Bamboo Airways mà ngân hàng này nắm giữ.

Ở phía bên kia của bảng cân đối, vốn chủ sở hữu của công ty đã rơi xuống -836 tỷ đồng trong khi đang phải gánh khoản nợ phải trả lên đến hơn 18.800 tỷ đồng.

Với những số liệu nói trên có thể hiểu được động thái từ nhiệm của toàn bộ thành viên HĐQT và BKS của Bamboo Airways nhiệm kỳ 2019-2024.

MINH TRÍ