120.000 tỷ đồng trái phiếu trong lĩnh vực bất động sản sẽ đáo hạn vào năm 2024

Áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ gia tăng mạnh trong 2024. Lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 là hơn 297.000 tỷ đồng. Trong đó nhóm bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn, với hơn 120.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Theo đó, năm 2023, các cơ chế, chích sách quan trọng trong hoạt động kiểm soát, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện, minh bạch. Nổi bật như việc Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu (Nghị định 08); chỉ đạo đưa hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào vận hành từ ngày 19/7/2023…

Năm 2024, có 120.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Cụ thể, năm 2023, có 78 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng gần 236.000 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngân hàng thương mại chiếm gần 55%; nhà đầu tư cá nhân chỉ mua 6,8%; các doanh nghiệp cũng mua lại 230.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 5,8% so với năm 2022.

Ghi nhận trên sàn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hiện nay đã có hơn 800/1.000 mã trái phiếu được niêm yết và giá trị giao dịch cũng đã tăng hơn 4 lần.

Theo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC (DSC), giai đoạn đầu năm 2023 chứng kiến sự ảm đạm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh niềm tin của các nhà đầu tư cá nhân vẫn còn khá yếu.

Cơ cấu phát hành trái phiếu năm 2023 tiếp tục tập trung vào 2 nhóm ngân hàng và bất động sản. Với nhóm ngân hàng, các "nhà băng" đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu để tăng huy động dài hạn do tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã được sửa đổi giảm từ 34% xuống chỉ còn 30%.

Với bất động sản, do nguồn cung mới và tỷ lệ hấp thụ bất động sản 2023 đã giảm sâu so với 2022. Các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu trong thời gian này chủ yếu với mục đích tái cấu trúc và giãn thời gian trả nợ.

Mặc dù có những tín hiệu cải thiện, phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi trở lại mức trước năm 2021.

Tháng 3/2023, Chính phủ đã thông qua Nghị định 08 để giúp các tổ chức phát hành có thêm thời gian giải quyết vấn đề trả nợ. Theo đó, tổ chức phát hành có thể đàm phàn với các trái chủ để gia hạn nợ, hoán đổi tài sản hay thanh lý tài sản thế chấp.

Tính đến cuối quý III/2023, đã có 81% tổ chức phát hành chọn phương án gia hạn trái phiếu, trong đó hơn 60% thực hiện gia hạn trái phiếu thêm 2 năm, ngang mức tối đa.

Áp lực đáo hạn trái phiếu theo dự đoán sẽ gia tăng mạnh trong 2024. Lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 là hơn 297.000 tỷ đồng. Trong đó nhóm bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn, với hơn 120.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Thời gian qua, mặc dù đã có những tín hiệu khá tích cực, nhưng thị trường trái phiếu vẫn cần tiếp tục được quan tâm, giám sát và chỉ đạo từ các đơn vị quản lý.

Theo đó, Bộ Tài chính giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, có đơn thư phản ánh để yêu cầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu.

Đối với các công ty kiểm toán, công ty thẩm định giá, Bộ Tài chính yêu cầu Cục Giám sát kế toán, kiểm toán, Cục Quản lý giá tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp này.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác… đảm bảo sự nhất quán, ổn định chính sách để nhà đầu tư yên tâm tham gia hoạt động, đầu tư trên thị trường.

AN NHIÊN