Vì sao Quốc lộ 51 rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”?

Tình trạng xuống cấp nghiêm trọng tại dự án BOT quốc lộ 51 kể từ khi dừng thu phí nhưng không thể sửa chữa, vì chưa thể xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Đáng nói, mặc dù đã có nhiều cuộc họp từ các cơ quan liên quan, song, dự án BOT quốc lộ 51 đến nay vẫn nằm trong tình vào cảnh “cha chung không ai khóc”. Về nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ việc dự án BOT quốc lộ 51 đến nay đã tạm dừng thu phí nhưng vẫn chưa thể xác lập dự án này là tài sản công (sở hữu toàn dân) nên chưa thể đại tu cho toàn tuyến, đang là vấn đề đáng chú ý.

Những vướng mắc tại Dự án BOT Đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51, đoạn từ Km0+900 đến Km73+600 sđi quan 2 tỉnh Đồng Nai - Bà Rịa- Vũng Tàu, đang để lại nhiều ý kiến trái chiều.

“Lỗi”… từ hợp đồng BOT?

Theo dữ liệu từ Diễn đàn Doanh nghiệp, trước khi dự án BOT quốc lộ 51 được triển khai, Bộ GTVT là đơn vị thực hiện dự án mở rộng quốc lộ 51 bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), hoàn vốn bằng nguồn thu phí tại trạm T1, quốc lộ 51. Tuy nhiên, do không đạt hiệu quả đầu tư, Bộ GTVT đã đề xuất Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) nhận quyền thu phí trạm thu phí T1 với giá trị hợp đồng mua quyền khai thác là 400 tỉ đồng, lãi suất huy động vốn cố định (7,75%/năm), không tính lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Sau đó, giá trị chuyển nhượng quyền thu phí trạm T1 được tổng hợp vào tổng mức đầu tư BOT quốc lộ 51 khi thực hiện dự án này.

Về pháp lý được căn cứ trên cơ sở Hợp đồng BOT giữa Cục Đường bộ ký với BVEC từ năm 2009. Trong đó, quy định thời gian kết thúc thu hoàn vốn của hợp đồng nguyên tắc chuyển giao quyền thu phí trạm T1 là ngày 10/7/2013; tổng thời gian thu phí hợp đồng dự án BOT xây dựng mở rộng quốc lộ 51 là 20 năm 6 tháng, 6 ngày.

Trong đó, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16,66 năm (từ ngày 3/8/2012 đến 27/3/2029); thời gian thu phí tạo lợi nhuận 4 năm (từ ngày 28/3/2029 đến 28/3/2033).

Tuy nhiến, đến tháng 2/2017, thời gian thu phí hoàn vốn dự án BOT quốc lộ 51 được điều chỉnh thành 20 năm 6 tháng 11 ngày.

Như vậy, thời gian này tính từ ngày 1/7/2009 đến hết 12/1/2030, bao gồm 4 năm 24 ngày thu theo hợp đồng bán quyền thu phí tại trạm T1 (từ ngày 1/7/2009 đến 24/7/2013) và 4 năm thu phí tạo lợi nhuận.

Thế nhưng, đến cuối năm 2018, do có một số thay đổi liên quan đến yếu tố đầu vào và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Cục Đường bộ đã tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận từ 4 năm xuống còn 9 tháng. Từ cơ sở trên, Cục Đường bộ đã tạm dừng thu phí dự án BOT quốc lộ 51 từ 7h ngày 13/1/2023. Tháng 4/2024, Bộ GTVT có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản của dự án BOT quốc lộ 51. Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại đề nghị Bộ GTVT và nhà đầu tư xử lý các vướng mắc, tồn tại và hoàn thiện hồ sơ đủ cơ sở triển khai bước tiếp theo.

Điều đáng nói, khi quan điểm hai bên đang lệch nhau và không đi đến thống nhất, các bên đều cho rằng phải có một cơ quan độc lập đứng ra phân xử để giải quyết dứt điểm sự việc này, có nghĩa là vụ việc cần phải đưa ra trung tâm trọng tài hoặc tòa án để xử lý.

Đàm phán 19 lần chưa có kết quả

Đáng chú ý, theo báo cáo từ Cục Đường bộ, hiện nay vụ việc đã hoàn tất hồ sơ và gửi Bộ Tài chính để xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với công trình BOT quốc lộ 51 theo quy định pháp luật về tài sản công.

“Tất cả hợp đồng dự án BOT giao thông đều quy định khi có vấn đề khúc mắc đều thông qua đàm phán giữa cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư để đi đến thống nhất”, Cục Đường bộ thông tin.

Tuy nhiên, đến nay, Cục Đường bộ đã đàm phán 19 lần với nhà đầu tư dự án BOT quốc lộ 51 về chấm dứt hợp đồng nhưng vẫn còn các tồn tại cần xử lý.

Nêu quan điểm về quyền sở hữu, đại diện Phòng Kế hoạch và Đầu tư (Cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng, nếu chiếu theo quy định của pháp luật, việc chưa xác lập quyền sở hữu toàn dân và những tồn tại của hợp đồng BOT không ảnh hưởng đến việc huy động kinh phí bảo trì, sửa chữa quốc lộ 51, theo đại diện Phòng Kế hoạch và Đầu tư (Cục Đường bộ Việt Nam). Bởi, thực tế nơi này đã giao Khu quản lý đường bộ IV thực hiện công tác quản lý, bảo quản công trình. Tuy nhiên, do đây là con đường huyết mạch, lưu lượng giao thông quá lớn nên chỉ bảo trì, sửa chữa không đáp ứng nhu cầu. Do đó, giai đoạn tiếp theo sẽ rà soát, nghiên cứu đề xuất cấp thẩm quyền phương án đầu tư nâng cấp quốc lộ 51 từ nguồn vốn đầu tư công.

Trong khi các bên đang đàm phán và chưa thể xác định được đơn vị nào là chủ sở hữu thì thực tế quốc lộ 51 liên tục hư hỏng và chưa thể đại tu toàn bộ. Trước những vấn đề này, UBND tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu nơi có đoạn đường đi qua cũng tỏ ra lo lắng trước áp lực lượng phương tiên tham gia giao thông khá đông, ảnh hưởng nhu cầu vận chuyển hàng hoá phát triển kinh tế và nguy cơ mất an toàn giao thông nên đã liên tục hối thúc Bộ GTVT sớm hoàn tất thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân để có phương án xử lý.

Đánh giá về những bất cập tại hợp đồng BOT quốc lộ 51, TS Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TPHCM, cho rằng rất khó hiểu khi một hợp đồng BOT đáng ra phải được làm chặt chẽ lại xảy ra chuyện tranh cãi suốt mấy năm qua.

“Đây là tuyến đường huyết mạch của vùng Đông Nam bộ, nhưng lại rới vào hoàn cảnh “cha chung không ai khóc” là rất thiệt thòi cho người dân và doanh nghiệp. Dó đó, cần phải có giải pháp để xử lý dứt điểm. Bởi, nếu chậm ở khâu hoàn thành thủ tục sở hữu toàn dân sau đó mới nâng cấp, đại tu con đường sẽ gây lãng phí rất lớn”, TS Phạm Viết Thuận nói.

Tình trạng xuống cấp nghiêm trọng tại dự án BOT quốc lộ 51 kể từ khi dừng thu phí nhưng không thể sửa chữa, vì chưa thể xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Nhà đầu tư bảo lưu quan điểm

Nêu quan điểm về những nguyên dân dẫn đến khúc mắc về hợp đồng BOT, ông Đinh Hồng Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC), cho rằng trong Công văn số 54/CT - TCKT vừa được Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) gửi Cục Đường bộ Việt Nam về việc đề xuất phương án bổ sung giải quyết vướng mắc tại Dự án BOT Đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51, đoạn từ Km0+900 đến Km73+600.

Cũng theo ông Hà, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận đánh đổi những yếu tố về lợi nhuận, chỉ với mục đích sau cùng, cao nhất là đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Đây là nguyên tắc chủ đạo trong pháp luật đầu tư theo phương thức đối tác công - tư được ghi nhận cụ thể tại khoản 5 Điều 7 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Và theo tính toán, với phương án nói trên, BVEC sẽ được thu phí thêm là 21 tháng 1 ngày, kể từ ngày dự kiến bắt đầu thu phí trở lại là ngày 1/1/2025 tính theo mức thu phí trung bình của 3 tháng cuối năm 2022 là 59,858 tỷ đồng.

Vì vậy, để giải quyết dứt điểm vấn đề này, các bên sẽ tiến hành ký kết phụ lục hợp đồng BOT để điều chỉnh thời gian tạo lợi nhuận của BVEC là 31 tháng 6 ngày (bao gồm thời gian tạo lợi nhuận đã thu từ sau ngày hoàn vốn là 10/3/2022 đến thời gian tạm dừng thu phí 13/1/2023).

“Trong trường hợp các cơ quan liên quan không đồng ý, BVEC sẽ bảo lưu mọi quyền và lợi ích hợp pháp mà nhà đầu tư được hưởng theo quy định của pháp luật và thỏa thuận trong các hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, trên tinh thần thiện chí, BVEC vẫn mong muốn các vướng mắc được giải quyết trên cơ sở thương lượng và biện pháp hành chính nhằm kết thúc giải quyết tranh chấp Hợp đồng BOT bằng thương lượng hai bên và hỗ trợ hành chính, tránh được việc giải quyết bằng tranh tụng, trọng tài sẽ khiến vụ việc bị kéo dài, gây ra nhiều tổn thất không đáng có cho tất cả các bên”, ông Đinh Hồng Hà chia sẻ.

HƯƠNG GIANG