Vì sao Hậu Giang chứng kiến cuộc đổ bộ của hàng loạt ông lớn trong ngành bất động sản như: FLC, Sao Mai, Hano-VID… với tổng mức đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng?

Kết nối vùng và cơ sở hạ tầng đang được đầu tư mạnh mẽ là 2 yếu tố giúp TP Vị Thanh trở thành tâm điểm của không ít đại gia BĐS nhắm tới.

Theo đó, Hậu Giang cách TP.HCM khoảng 240km và TP Cần Thơ khoảng 60km, cùng với đó tuyến đường nối TP Vị Thanh và TP Cần Thơ đang được thi công xây dựng với quy mô 4 làn xe giúp giao thông của Hậu Giang và TP. Vị Thanh trở nên thuận tiện. Nằm liền kề Cần Thơ, trung tâm kinh tế của Đồng Bằng sông Cửu Long, Hậu Giang đang trở thành trung tâm và động lực thu hút đầu tư các dự án BĐS lớn ở khu vực.

Ngoài 2 tuyến quốc lộ là quốc lộ 1A và quốc lộ 61 chạy qua, Hậu Giang có mạng lưới sông rạch rất thuận lợi với trục giao thông thủy quan trọng là sông Hậu – 1 trong 2 nhánh sông lớn của sông Mê Kông, là trục đường chính vào cảng quốc tế Cái Cui, Cần Thơ.

Bên cạnh đó, Kinh xáng Xà No, kinh Quản lộ Phụng Hiệp là đường thủy quốc gia từ thành phố Hồ Chí Minh xuyên đồng bằng đổ ra biển Tây, nối các tỉnh ĐBSCL đi Campuchia, biển Đông và các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, trung ương và tỉnh đang tập trung đầu tư mới tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, tuyến lộ Nam sông Hậu nối cầu Cần Thơ đi các tỉnh ĐBSCL.

Không chỉ có thế, do nằm cạnh Cần Thơ, nên Hậu Giang thừa hưởng các tiện ích về hạ tầng, kinh tế kỹ thuật của thành phố lớn nhất miền Tây này.

Cụ thể, Sân bay quốc tế Cần Thơ; Bến cảng quốc tế Cái Cui, Cần Thơ; Nhiều trường đại học đa ngành, chuyên ngành (đào tạo trên 40.000 sinh viên 1 năm ) và hệ thống trường cao đẳng dạy nghề, trường dạy ngoại ngữ tiếng Anh, Hoa, Pháp, Nga . . ., bệnh viện tầm cỡ khu vực.

Ngoài ra, các dịch vụ về khoa học kỹ thuật, tài chính, ngân hàng, kiểm toán, bảo hiểm, dịch vụ thương mại, vui chơi, giải trí, các cơ sở an sinh ở khu đô thị mới, dịch vụ nhà hàng, khách sạn 3 – 5 sao, văn phòng cho thuê, hệ thống siêu thị, hoạt động nghệ thuật và du lịch sinh thái . . . đều có sẵn và rất tiện ích trên địa bàn thành phố Cần Thơ sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của Hậu Giang và khu vực lân cận.

Một điểm nhấn quan trọng khác, Hậu Giang cũng đang chú trọng phát triển hạ tầng đô thị của tỉnh. Đáng chú ý là tỉnh đã xây dựng Khu đô thị Công nghiệp sông Hậu quy mô diện tích 3.275 ha; Cụm công nghiệp Tân Phú Thạnh quy mô diện tích 201 ha; Cụm công nghiệp Vị Thanh quy mô diện tích 53 ha; Cụm công nghiệp Ngã Bảy quy mô diện tích 25 ha. Hiện các Khu – Cụm công nghiệp trên địa bàn đã thu hút nhiều nhà đầu tư đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước lấp kín địa bàn.

Chính vì vậy, trong thời gian qua Hậu Giang chứng kiến cuộc đổ bổ của hàng loạt dự án đến từ những tên tuổi trong ngành bất động sản.

Một trong những dự án có thể kể đến là: Dự án Khu đô thị mới hai bên đường nối thị trấn Ngã Sáu đến đường Nam Sông Hậu.

Theo đó, dự án này có diện tích gần 60 ha, thuộc địa bàn xã Đông Phú, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành. Thời gian thực hiện và phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết là 9 tháng kể từ ngày 19/8/2021. Dự án do Liên danh SPG - Hiệp Phước - 620IDIC – VIETNAMINVES thực hiện.

Trước đó, UBND tỉnh cũng đã chấp thuận CTCP Bất động sản HANO - VID đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực kinh nghiệm thực hiện dự án Khu đô thị mới thị xã Long Mỹ 2.

Dự án Khu đô thị mới thị xã Long Mỹ 2 nằm tại khu vực 4, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ có diện tích gần 20 ha. Bao gồm các hạng mục các hạng mục như: Nhà ở liền kề, nhà ở liền kề kết hợp thương mại, biệt thự, đất thương mại dịch vụ, trường mẫu giáo, công viên,... Quy mô dân số dự kiến khoảng 2.350 người. Tổng mức đầu tư dự án là 256,8 tỷ đồng.

Một dự án khác có tổng mức đầu tư lên đến hơn 1.000 tỷ đồng cũng được UBND tỉnh Hậu Giang giao cho CTCP Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng làm chủ đầu tư. Theo đó, Dự án có quy mô hơn 11 ha, nằm tại ấp Mái Dầm, xã Đại Thành, TP Ngã Bảy. Mục tiêu đầu tư nhằm xây dựng hoàn chỉnh khu nhà ở xã hội thấp tầng, liền kề tại với 722 căn nhà. Trong đó, 603 căn nhà ở xã hội và 119 căn nhà thương mại. Dự kiến sau khi hoàn thành, dự án sẽ bố trí chỗ ở cho gần 3.000 người. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án hơn 1.042 tỷ đồng. Trong đó, chi phí thực hiện dự án là hơn 936 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gần 106 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong cuộc đổ bộ vào Hậu Giang phải nhắc đến ông lớn FLC.

Theo đó, Hậu Giang đã thống nhất để tập đoàn FLC nghiên cứu, tiếp cận đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu đô thị mới 927C với quy mô gần 490 ha. Dự án nằm tại địa bàn xã Đông Phú, xã Phú Hữu và thị trấn Mái Dầm. Theo đề xuất của Tập đoàn FLC, dự án bao gồm các chức năng như: Đất ở, đất khu du lịch sinh thái miệt vườn, đất khách sạn - resort, đất thương mại dịch vụ, chợ ẩm thực, chợ nổi...

Ngoài ra, FLC cũng đã báo cáo về phương án quy hoạch hai KĐT tại Tp Vị Thanh vào hồi tháng 5 trước đó, với quy mô 350ha. Hai dự án này bao gồm: Khu đô thị mới kết hợp công viên cây xanh Vị Thanh phường V (quy mô khoảng 185 ha) và Khu đô thị mới Nam Vị Thanh (phường V, TP Vị Thanh và huyện Vị Thủy) với quy mô khoảng 170 ha.

Một tên tuổi quen thuộc trong lĩnh vực bất động sản tại Đồng Bằng Sông Cửu Long là Tập đoàn Sao Mai cũng đã đặt chân vào thị trường bất động sản Hậu Giang.

Cụ thể, Sao Mai cũng đã làm việc với tỉnh Hậu Giang để tài trợ kinh phí lập quy hoạch ở TP Vị Thanh và huyện Châu Thành A. Theo đó, tập đoàn này muốn tài trợ 100% kinh phí lập quy hoạch chi tiết ba khu đô thị với diện tích hơn 450 ha.

Cụ thể, gồm: Đồ án Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới 1 tại phường 3, TP Vị Thanh (gần 45 ha); đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu dân cư thương mại tại phường 4, TP Vị Thanh và xã Vị Đông, huyện Vị Thủy (hơn 59 ha); đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu dân cư - tái định cư phục vụ KCN Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A (khoảng 350 ha).

Theo tìm hiểu của phóng viên, tình hình thu hút đầu tư tại Hậu Giang có những bước khởi sắc so với trước đó khi ông Nghiêm Xuân Thành cựu Chủ tịch Ngân hàng Vietcombank được điều về làm Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2020 – 2025.

MINH TRÍ