Từ Coteccons đến Hòa Bình (HBC): Khi xung đột đang "phá sức người khổng lồ"

Khi cổ phiếu đã lao về dưới mệnh giá; tình hình kinh doanh sa sút vẫn chưa được cải thiện; gánh nặng nợ gấp gần 4 lần vốn chủ sở hữu; xung đột ghế quyền lực vừa mới bắt đầu, Xây dựng Hòa Bình (HBC) của hiện tại còn gì để cổ đông gửi gắm niềm tin và kỳ vọng?

Ông Lê Viết Hải: "Tôi vẫn kiểm soát công ty"

Theo thông báo phát đi ngày 31/12/2022, ông Lê Viết Hải với tư cách Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã HBC - HOSE) đã ký Nghị quyết thông qua việc hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT kể từ ngày 1/1/2023 và từ nhiệm Thành viên HĐQT của chính ông Hải.

Nghị quyết cũng thông qua hoãn thi hành việc bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc cho ông Lê Viết Hiếu; hoãn thi hành việc bầu ông Nguyễn Công Phú làm Chủ tịch HĐQT.

Ngoài ra, ông lớn ngành thầu xây dựng này cũng hoãn việc thành lập Hội đồng Sáng lập - nơi ông Hải dự kiến làm Chủ tịch.

HĐQT tập đoàn cho biết việc hoãn thi hành các nghị quyết đã công bố ngày 14/12/2022 "nhằm củng cố cơ sở pháp lý và thiết lập vững chắc mô hình quản trị mới".

Trước đó, tại cuộc họp HĐQT ngày 9/12/2022, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải và bầu ông Nguyễn Công Phú - Thành viên HĐQT độc lập đảm nhiệm chức vụ này kể từ ngày 14/12.

Đáng nói trước khi rút lui, ông Hải đã đề cử con trai Lê Viết Hiếu lên làm tổng giám đốc đồng thời khẳng định đã được tất cả thành viên HĐQT đồng thuận.

Trả lời báo giới, vị lãnh đạo cho biết sau khi từ nhiệm sẽ lập Hội đồng sáng lập để tham mưu, tư vấn và phản biện cho HĐQT và ban điều hành. Những gì chiến lược và trọng yếu mà HĐQT đưa ra phải được sự đồng ý của Hội đồng sáng lập. Ông Phú - người dự kiến trở thành chủ tịch mới lúc đó - đã cam kết lãnh đạo công ty trên nguyên tắc đồng thuận.

"Với cách làm như vậy, tôi vẫn kiểm soát công ty chứ không mất quyền hoàn toàn", ông Hải nói trên Vnexpress.

Ông Nguyễn Công Phú: Đề nghị ông Hải không cản trở việc kế nhiệm

Về phần mình, ngay trong buổi sáng ngày 1/1/2023, các thành viên HĐQT độc lập Xây dựng Hòa Bình gồm ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine đã có Thông cáo báo chí bác bỏ các động thái do ông Lê Viết Hải đơn phương thực hiện nhằm tiếp tục giữ vị trí.

Nguyên văn nội dung Thông cáo báo chí như sau :

"Chúng tôi, gồm các thành viên HĐQT Tập đoàn Hòa Bình, kiên quyết bác bỏ toàn bộ các động thái do cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình Lê Viết Hải đơn phương thực hiện vào ngày 31/12/2022...

Đồng thời, các quyết định được thông qua tại cuộc họp HĐQT ngày 13/12/2022 vẫn có đầy đủ hiệu lực. Các quyết định được toàn bộ 8/8 thành viên HĐQT nhất trí thông qua trong cuộc họp này gồm quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú giữ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình thay ông Lê Viết Hải – người trước đó gửi đơn từ nhiệm lên HĐQT.

Với ý định hủy bỏ các quyết định tại cuộc họp HĐQT ngày 13/12/2022, ông Lê Viết Hải đã nhiều lần triệu tập họp HĐQT qua hình thức trực tuyến vào các ngày 29/12/2022 và ngày 31/12/2022 – một việc làm vi phạm Điều lệ Tập đoàn trong đó vào ngày 31/12/2022, sau khi cuộc họp vào lúc 9g00 sáng không đủ điều kiện tiến hành, ông Lê Viết Hải tiếp tục triệu tập họp vào lúc 13g30 chiều. Số lượng thành viên HĐQT tham dự lúc này cũng chỉ có 4 thành viên, vẫn chưa thể đủ điều kiện để tiến hành tổ chức (theo quy định tại Điều lệ hiện hành HBC thì phải có 5/8 thành viên HĐQT tham dự).

Chúng tôi đã ngay lập tức thông báo bằng văn bản với ông Lê Viết Hải rằng chúng tôi từ chối việc triệu tập tham gia vì cuộc họp này không đúng với Điều lệ Tập đoàn, theo đó việc thông qua bất kỳ quyết định nào đều là không hợp lệ.

Các thông cáo của ông Lê Viết Hải với báo chí không những không có cơ sở pháp lý mà còn sai sự thật vì ông Hải không thể tiến hành được cuộc họp HĐQT theo quy định, cũng như có đủ đa số phiếu trong HĐQT để có thể hoãn quyết định được đưa ra trong cuộc họp ngày 13/12/2022.

Vì lợi ích chung tối cao của Tập đoàn do chính ông Lê Viết Hải sáng lập, chúng tôi đề nghị ông Hải không được phép thực hiện bất kỳ hành động nào mang tính cản trở việc kế nhiệm của Chủ tịch HĐQT được bầu Nguyễn Công Phú. Do sự điều hành yếu kém của ông Lê Viết Hải trong nhiều năm, tập đoàn giờ đang đối diện với muôn vàn khó khăn trong đó có vấn đề tài chính. Việc HĐQT thông qua quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú làm người đứng đầu Tập đoàn nhằm mục tiêu duy nhất – khắc phục tình trạng khó khăn và thực hiện những cải cách tất yếu để đảm bảo sự phát triển của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trong tương lai.

Vì vậy, ông Nguyễn Công Phú là Chủ tịch hợp pháp của Tập đoàn Hòa Bình kể từ hôm nay, 1/1/2023.

Cùng sát cánh bên ông Phú và dưới sự dẫn dắt của ông, chúng tôi đảm bảo rằng Tập đoàn Hòa Bình, vốn tạo dựng danh tiếng bằng các công trình xây dựng chất lượng cao, sẽ tiếp tục được nhắc đến về mô hình quản lý hiệu quả và khả năng sinh lợi từ các hoạt động đa dạng hóa".

Từ Hòa Bình lại nghĩ chuyện Coteccons

Được biết ông Nguyễn Công Phú (sinh năm 1951 tại Quảng Nam) có học vị Tiến sĩ, hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn, giám định kỹ thuật xây dựng. Ngày 20/7/2021, ông Phú trở thành thành viên HĐQT độc lập của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Trong khi đó, ông Lê Viết Hải (sinh năm 1958 tại Thừa thiên Huế). Năm 1987, ông thành lập và làm Giám đốc điều hành Văn phòng Xây dựng Hòa Bình (tiền thân của HBC hiện tại) với 5 kỹ sư và 20 người thợ.

Câu chuyện về việc lãnh đạo sáng lập bị "đánh bật" khỏi ghế điều hành không chỉ đang diễn ra tại Xây dựng Hòa Bình mà đã từng diễn ra tại một ông lớn ngành thầu xây dựng khác - Coteccons (Mã CTD - HOSE).

Kusto - một cổ đông lớn "ngoại quốc" đã từ từ nhen nhóm xung đột ghế quyền lực tại Coteccons và có được chiếc ghế điều hành tối cao qua đó cũng khép lại 4 năm xung đột đằng đẵng (thời điểm cuối năm 2020).

Ở chiều ngược lại, bộ máy quản trị cũ của CTD thời điểm đó (từ HĐQT, tiểu ban chiến lược, tiểu ban lương thưởng, bộ phận nhân sự, kế toán kiểm toán đến ban điều hành), tất cả các nhân sự cốt cán gồm cựu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương, cựu CEO Nguyễn Sỹ Công, và các "chiến tướng" Trần Quang Quân, Trần Quyết Thắng, Nguyễn Quốc Hiệp, Trần Văn Chính, Phan Huy Vĩnh, Từ Đại Phúc,… đã lần lượt dứt áo ra đi.

Tham vọng xuất ngoại sẽ đi về đâu?

Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi xin phép không nhắc lại chi tiết xung đột này. Chỉ muốn nhấn mạnh rằng, trước và sau biến cố, các doanh nghiệp vẫn còn đó những khó khăn.

Dễ thấy 2 năm sau khi CTD đạt mức kỷ lục doanh thu 28.561 tỷ đồng (năm 2018) cũng là 2 năm trước khi xung đột tại đây ngã ngũ, tình hình kinh doanh của công ty bắt đầu trượt dốc. Coteccons thậm chí chứng kiến mức doanh thu xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trong năm 2021.

Tương tự, các năm 2020 - 2021 cũng chứng kiến sự đi xuống về kinh doanh của Xây dựng Hòa Bình bên cạnh yếu tố ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Với mức lợi nhuận ròng năm 2021 chỉ còn 24 tỷ đồng, thật khó để cổ đông có thể hình dung về một Coteccons từng lãi cả nghìn tỷ chỉ 3 năm trước đó. Năm thứ 2 (xét theo niêm đọ tài chính) sau khi ông Bolat Duisenov giữ ghế Chủ tịch HĐQT CTD, công ty báo doanh thu giảm tới 2/3 so với đỉnh còn 9.078 tỷ trong khi lợi nhuận thì rơi không thấy đáy.

Coteccons thậm chí đang hiện hữu năm lỗ ròng đầu tiên trong triều đại của Kusto khi trong báo cáo cập nhật mới nhất, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) ước tính CTD sẽ đạt tổng doanh thu 10.440 tỷ đồng cho cả năm 2022 qua đó không thể hoàn thành kế hoạch doanh thu 15.010 tỷ.

Coteccons cũng được dự phóng lỗ khoảng 110 tỷ đồng năm nay trong khi kế hoạch lãi ròng cả năm là 20 tỷ.

Trước đó, ngay quý 1/2022, CTD bất ngờ báo lãi sau thuế hơn 29 tỷ đồng và nhanh chóng vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Tuy nhiên, các khoản lỗ ròng 2 quý ngay sau đó đã khiến CTD chỉ còn khoản lợi nhuận hơn 1,8 tỷ sau 3 quý. Doanh thu 9 tháng của ông lớn thầu xây dựng này cũng chỉ đạt hơn 8.300 tỷ đồng.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại Xây dựng Hòa Bình khi lợi nhuận của công ty năm 2020 giảm tới 10 lần so với đỉnh năm 2017 chỉ còn 84 tỷ.

9 tháng năm 2022, HBC đạt 10.904 tỷ doanh thu trong khi kế hoạch cả năm là 17.500 tỷ; lãi sau thuế chỉ đạt 61,2 tỷ đồng trong khi kế hoạch năm là 350 tỷ. Nó lại càng nhỏ bé so với tham vọng xuất ngoại của ông Lê Viết Hải trước kỳ Đại hội bất thường hồi tháng 8/2022 cho chiến lược kinh doanh 10 năm (đến năm 2032) với mục tiêu doanh thu 437.500 tỷ đồng và lợi nhuận 21.875 tỷ.

Khi cổ phiếu đã không ngừng lao dốc và kết năm 2022 ở dưới mệnh giá; tình hình kinh doanh sa sút vẫn chưa được cải thiện; gánh nặng nợ gấp gần 4 lần quy mô vốn chủ sở hữu và xung đột ghế quyền lực vừa mới bắt đầu, Xây dựng Hòa Bình của hiện tại còn những gì để cổ đông gửi gắm niềm tin và kỳ vọng???

Chưa rõ đến khi nào thì các vấn đề nêu trên được khắc phục song trước mắt, sự suy yếu của 2 trong số những ông lớn làng thầu xây dựng gồm Coteccons và Hòa Bình đang mở ra cơ hội cho một doanh nghiệp thầu khác lớn mạnh và khẳng định vị thế - Newtecons.

Nói thêm, CTCP Newtecons vừa tổng kết tình hình kinh doanh năm 2022 với ghi nhận cán mốc kế hoạch 10.000 tỷ đồng doanh thu. Và ông Nguyễn Bá Dương - cựu thuyền trưởng CTD không ai khác chính là người đang chèo lái đế chế nghìn tỷ đồng này.

Cần nhấn mạnh rằng sau 9 tháng năm 2022, hiện Newtecons và Ricons đã hoàn thành kế hoạch 10.000 tỷ đồng doanh thu. Trong khi đó, HBC và CTD với việc đạt 10.904 tỷ đồng và 8.307 tỷ đồng doanh thu vẫn còn cách rất xa kế hoạch cả năm.

Nếu đà tăng trưởng vẫn được giữ vững, không ngoại trừ khả năng trong tương lai gần, Newtecons và Ricons sẽ chiếm top đầu trong sân chơi của các nhà thầu xây dựng tại Việt Nam.

HỮU DŨNG