Sau khi về tay tập đoàn Thành Công, PGBank (PGB) ghi nhận nợ xấu tăng mạnh lên 17% đạt 1.175 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển - PGBank (UPCoM: PGB), vừa công bố báo cáo tài chính quý III và 9 tháng đầu năm. Theo đó, tổng số nợ xấu tính đến cuối tháng 9 của PGBank là 1.175 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm một nửa với hơn 596 tỷ đồng.

Theo đó, quý III, thu nhập lãi thuần là điểm sáng của PGBank khi tăng trưởng tới 50% so với cùng kỳ năm 2023, mang về 416 tỷ đồng.

 

Ngoại trừ hoạt động dịch vụ giảm gần 40% thì các mảng kinh doanh ngoài lãi khác của ngân hàng này đều tăng gấp nhiều lần. Trong đó, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 5 lần, lãi từ hoạt động khác tăng gấp đôi... mang về hàng chục tỷ đồng cho PGBank.

Chiều ngược lại, chi phí hoạt động của PGBank trong quý III đã tăng 19%, trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gấp 3 lần, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng. Tuy vậy, nhờ đà tăng trưởng mạnh ở hoạt động cho vay, PGBank vẫn báo lãi trước thuế 77 tỷ đồng trong quý vừa qua, tăng 36% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 344 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước nhưng đã gần tương đương lợi nhuận của cả năm ngoái.

Năm 2024, HĐQT PGBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 554 tỷ đồng, tăng 58%. Với kết quả này, ngân hàng đã đạt 62% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.

Tính đến cuối quý III, tổng tài sản của PGBank đạt trên 61.800 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Chỉ tiêu cho vay khách hàng cùng giai đoạn của PGBank đạt gần 36.900 tỷ đồng tăng 4% chủ yếu nhờ tăng trưởng từ cho vay nhóm khách hàng doanh nghiệp và hộ kinh doanh, cá nhân.

Đáng chú ý, tổng số dư nợ xấu tính đến cuối tháng 9 của PGBank là 1.175 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm một nửa với hơn 596 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng theo đó bị kéo tăng từ 2,85% lên 3,19%.

Liên quan đến hoạt động ngân hàng, tháng trước, PGBank đã công bố danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ. Cơ cấu cổ đông của ngân hàng này khá cô đặc với 3 tổ chức và 13 cá nhân sở hữu 409 triệu cổ phần, tương đương 97,4% vốn ngân hàng.

3 doanh nghiệp nắm giữ gần 40% vốn điều lệ của PGBank gồm Công ty CP Quốc tế Cường Phát (13,5%), Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức (13,36%), và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển Thương mại Gia Linh (13,1%). Cả 3 doanh nghiệp này đều có liên hệ tới Tập đoàn Thành Công.

Ba doanh nghiệp này đã mua lại 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% vốn điều lệ, từ buổi đấu giá cổ phiếu do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tổ chức vào tháng 4 năm ngoái.

Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của cả 3 doanh nghiệp này đều vượt mức trần quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7. Theo đó, quy định mới đã giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông tổ chức tại một tổ chức tín dụng từ 15% xuống 10%.

MINH TRÍ